Khi Mỹ đưa Houthi trở lại danh sách thực thể khủng bố do lực lượng này liên tục tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ và Vịnh Aden, một lần nữa nỗi lo về cuộc khủng hoảng an ninh lương thực vốn đã trầm trọng ở Yemen nhiều năm qua lại dấy lên.
Trong bối cảnh hy vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình chấm dứt nội chiến đang ngày càng mờ nhạt do các diễn biến mới nhất ở Gaza và Biển Đỏ liên quan đến lực lượng Houthi, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen đã trở nên xấu đi chưa từng có.
Theo số liệu thống kê năm 2022 của Nhóm Phát triển Bền vững Liên hợp quốc (UNSDG), hơn một nửa dân số Yemen, tương đương 17,4 triệu người, đang trong tình trạng bị mất an ninh lương thực. Tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng nhất ở các khu vực đang có xung đột hoặc các khu vực lân cận, nơi việc tiếp cận nhân đạo bị hạn chế do tình hình an ninh.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Yemen thuộc hàng cao nhất thế giới, với 75% trẻ em Yemen bị suy dinh dưỡng cấp tính. Bên cạnh đó, số lượng trẻ em và phụ nữ suy dinh dưỡng ở Yemen còn gia tăng sau mỗi năm xung đột, do tỷ lệ mắc các bệnh như tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp và dịch tả cao. Năm 2022, UNICEF đã ghi nhận tiếp nhận 366.358 trẻ em vào điều trị với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
Kể từ xung đột, giá các mặt hàng cơ bản cũng tăng mạnh, tăng từ 30 đến 70%, khiến cuộc khủng hoảng lương thực trở nên tồi tệ hơn. Kéo theo đó, nền kinh tế Yemen suy giảm hơn một nửa, với hơn 80% người dân hiện đang sống dưới mức nghèo khổ. Sự sụp đổ của nền kinh tế thể hiện rõ nhất ở việc người dân mất thu nhập, chính phủ mất doanh thu, giá hàng hóa tăng cao và hàng hóa nhập khẩu bị hạn chế, bao gồm nhiên liệu.
Với chỉ 50% cơ sở y tế của Yemen còn hoạt động, nạn đói cùng các bệnh dịch kéo theo đang gây thêm sức ép lên hệ thống y tế vốn đã mong manh của đất nước.
Theo LHQ, ngay cả với mức hỗ trợ nhân đạo hiện tại, 12 trong số 22 tỉnh của Yemen vẫn có khoảng cách lớn về tiêu dùng thực phẩm. Vào năm 2021, thông qua việc khôi phục cơ sở hạ tầng nước và hệ thống thủy lợi, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) đã cung cấp hỗ trợ khẩn cấp về nông nghiệp và chăn nuôi để giúp khôi phục và bảo vệ sinh kế dễ bị tổn thương cũng như thúc đẩy khả năng phục hồi của cộng đồng nông thôn.
Tình trạng mất an ninh lương thực sẽ tiếp tục gia tăng ở Yemen nếu các tổ chức, chính phủ toàn cầu ngừng hỗ trợ nhân đạo. Giới phân tích chỉ ra chỉ ra có hòa bình mới có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn đói khát và xung đột. Tuy nhiên, hy vọng về một nền hòa bình bền vững tại Yemen đang dường như tan biến khi cuộc xung đột tại Gaza giữa Israel và Hamas có nguy cơ lan rộng ra khu vực, kéo theo sự tham gia của lực lượng Hồi giáo Houthi.
Houthi là lực lượng kiểm soát những khu vực đông dân nhất ở Yemen. Sau khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ, từ tháng 10/2023, Houthi đã tấn công các tàu thương mại trong khu vực mà họ cho rằng có liên quan đến Israel, nhằm ủng hộ người Palestine và nhóm Hamas trong cuộc xung đột với Israel ở Dải Gaza.
H.A (theo báo Tin tức)