Cửa nào cho doanh nghiệp nhỏ thời dịch?

14/04/2020 14:50

Doanh nghiệp nhỏ không nên ồ ạt vay vốn, có thể "ngủ đông" hoặc duy trì một phần kèm chuyển đổi số để sống sót và phát triển sau dịch.

Tại hội thảo "Sống sót qua đại dịch Covid-19" diễn ra mới đây, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cho rằng, yếu tố quan trọng với doanh nghiệp lúc này là sự thích ứng. 

Một số chuyên gia khác thì đề cập đến yếu tố tự lực khi lưu ý doanh nghiệp vừa và nhỏ không nên ồ ạt xin vay gói hỗ trợ tín dụng. Theo ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch hội doanh nhân trẻ, phần lớn doanh nghiệp loại này chưa có đủ nền tảng, điều kiện tích lũy tư bản. Việc vay ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng cho chính họ nếu không có kế hoạch phát triển công ty sau khi dịch kết thúc, thậm chí sẽ gây nợ xấu cho ngân hàng. 

Ông Hồng Anh, người cũng đang là Phó chủ tịch HĐQT TTC Group cũng cho rằng, một số ngành nghề hầu như không có doanh thu, chỉ cắt giảm được một phần định phí nên thua lỗ và có thể âm vốn. Trong thời điểm này, doanh nghiệp có thể tính đến phương án "ngủ đông" - chậm lại, nghiệm lại và tìm kiếm kế hoạch, định hướng cho công ty.

Cửa hàng ăn chuyển qua bán hàng mang về, ship hàng online mùa dịch. Ảnh: Foodhouse. 
Cửa hàng ăn chuyển qua bán hàng mang về, ship hàng online mùa dịch. Ảnh: Foodhouse

Tuy nhiên, Chủ tịch của Tập đoàn NextTech, ông Nguyễn Hoà Bình không đồng ý quan điểm trên khi cho rằng các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa thay vì "ngủ đông" nên tìm cách duy trì hoạt động ở mức phù hợp, kết hợp chuyển đổi số. Việc dừng kinh doanh khiến họ thiếu cọ sát, thực chiến trên thị trường và có thể lỡ cơ hội nắm bắt thời cơ mới. 

Chủ tịch NextTech nhận định, đây là cơ hội vàng để đưa năng lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, không chỉ của doanh nghiệp mà từng người dân. "Có những sự kiện, sự cố có tác động thay đổi toàn bộ thói quen xã hội và Covid-19 là một cú hích cho chuyển đổi số, có tác động bằng cả chục năm xã hội khuyến khích, kêu gào thay đổi", ông nói. 

Ông Bình lấy ví dụ, một quán bar nổi tiếng ở Trung Quốc bị đóng cửa vì dịch đã nhanh chóng thích nghi bằng việc livestream chương trình chơi nhạc thay vì nằm yên chờ đợi. Việc kinh doanh online giúp họ thu về khoảng 6 tỷ đồng tiền tip từ khách hàng, thúc đẩy họ tính đến phương án kinh doanh mới ngay cả khi dịch bệnh đã qua đi. Các startup công nghệ từng phải "đốt tiền" để có thêm người dùng mới, tuy nhiên đại dịch giúp họ có thêm khách hàng một cách hiệu quả và miễn phí. Thời điểm này, doanh nghiệp nên triển khai các kênh bán hàng trực tuyến song song việc duy trì offline.

"Chuyển đổi số hoạt động kinh doanh là điều tất yếu và không thể thiếu của mọi ngành nghề và đó sẽ là xu hướng kinh doanh mới bắt đầu phát sinh từ cuộc khủng hoảng này", ông nói. 

Ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển cũng nhìn nhận, thị trường nội địa gần 100 triệu dân với sức mua lớn là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. 

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp trên thế giới, các doanh nghiệp trong nước có thể tập trung vào thị trường nội địa để làm nền tảng. Việc Việt Nam kiểm soát và chấm dứt dịch sớm là cơ hội để doanh nghiệp chuẩn bị, khai thác thị trường nội địa và sẵn sàng bung ra khi các nước khác vừa chân ướt chân ráo bước ra khỏi cuộc chiến chống dịch.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cửa nào cho doanh nghiệp nhỏ thời dịch?