Cụ thể hóa quyền của vận động viên

17/11/2017 10:50

Nhà nước có chế độ hỗ trợ kinh phí đối với các VĐV thể thao thành tích cao giành được huy chương vàng trong các giải vô địch quốc gia và các kỳ thi đấu quốc tế giải nghệ khi hết tuổi thi đấu để VĐV có thêm điều kiện tìm việc làm, ổn định cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Tôi nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao (TDTT) sau 10 năm thi hành. Việc sửa đổi nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật, bổ sung những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn và thể chế hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao, tạo điều kiện thúc đẩy TDTT phát triển.

Sau khi nghiên cứu dự thảo luật, tôi xin đóng góp ý kiến vào một số điều như sau:

Thứ nhất, về TDTT trong nhà trường. Giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường có vai trò rất quan trọng, giúp nâng cao sức khỏe, tinh thần và thể chất cho học sinh, góp phần phát hiện và đào tạo tài năng thể thao, là nguồn lực của thể thao chuyên nghiệp và thành tích cao... Tại Việt Nam, các văn bản pháp luật quy định về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường cơ bản đã được ban hành khá đầy đủ. Trong Luật TDTT 2006, tại mục 2, có 7 điều quy định về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường. Ngoài ra, còn có Nghị định số 112/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật TDTT, Nghị định số 11/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường...

 Tuy nhiên, các quy định, văn bản luật trong lĩnh vực này vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Ngay trong dự thảo luật sửa đổi lần này cũng chưa có quy định cụ thể về cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường mà chỉ giao Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị TDTT cho hoạt động giáo dục thể chất ở các cấp học và trình độ đào tạo. Trên thực tế hiện nay, quy định về diện tích sân chơi, sân tập không được thể hiện trong bất cứ văn bản nào. Trước đây, trong Thông tư liên tịch số 18 ngày 28.4.2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế có quy định diện tích sân chơi, sân tập phải từ 40-50% tổng diện tích của nhà trường. Nhưng thông tư này đã hết hiệu lực từ ngày 30.6.2016. Trong thông tư thay thế (Thông tư liên tịch số 13/2016) không có nội dung quy định về diện tích sân chơi, bãi tập. Bởi vậy, nhiều trường không xây dựng sân chơi, bãi tập (do không có quỹ đất hoặc có đất nhưng không để làm sân chơi, bãi tập). Khi không có sân tập và phương tiện hỗ trợ thì không thể nào dạy và học tốt môn giáo dục thể chất được. Tôi đề nghị điều này phải được quy định rõ trong luật.

Trong khoản 2, điều 2 của dự thảo luật chỉ quy định Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội trong phạm vi, nghĩa vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị TDTT, xây dựng, ban hành chương trình giáo dục thể chất, đào tạo bồi dưỡng giáo viên TDTT... là chưa đủ. Phải có sự tham gia phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về TDTT và cần quy định rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan chứ không để chung chung như dự thảo.

Khoản 2a điều 25 quy định: "Nhà trường có trách nhiệm tổ chức mỗi năm ít nhất 1 cuộc thi đấu thể thao toàn trường" cần xem xét lại. Đối với các trường ở bậc học mầm non, việc tổ chức thi đấu thể thao có phù hợp không? Với các trường học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng, nhiều điểm trường, các phân hiệu rải rác, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn sẽ rất khó thực hiện quy định này.

Trong dự thảo luật sửa đổi lần này cũng chưa có quy định về việc thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường nên không có căn cứ, biện pháp xử lý đối với các trường học không thực hiện đúng, đủ quy định của pháp luật nên dẫn đến thực trạng các trường thấy không thực hiện tốt quy định về hoạt động giáo dục thể chất và thể thao cũng không ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường nên không nỗ lực thực hiện. Tôi đề nghị phải bổ sung quy định rõ điều này trong luật.

Vẫn trong điều 21, tôi đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Nhà nước là hoạch định chiến lược, quy hoạch, xây dựng đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường.

Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao. Trong dự thảo luật quy định các quyền của VĐV thể thao thành tích cao quá chung chung, mang tính dẫn chiếu nhiều,tất cả mọi quyền đều "theo quy định của pháp luật" thì quy định và dự thảo luật trở nên thừa. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cụ thể hóa các quyền này.

Cùng trong điều 32, khoản i, dự thảo luật quy định: VĐV đội tuyển quốc gia bị tai nạn trong tập luyện, thi đấu dẫn đến mất khả năng lao động hoặc chết thì VĐV và thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp. Tôi đề nghị mở rộng đối tượng đến VĐV thể thao thành tích cao các đội tuyển cấp tỉnh vì số lượng không nhiều. VĐV cấp tỉnh bị chết, tai nạn, mất khả năng lao động được hưởng trợ cấp sẽ có tác dụng động viên rất lớn tới đội ngũ VĐV thể thao thành tích cao, thúc đẩy sự nỗ lực cống hiến hết mình cho thể thao.

Điều 33 quy định về quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên (HLV) thể thao thành tích cao còn quá chung chung, cũng mang tính dẫn chiếu "theo quy định của pháp luật" giống như điều 32.

Tôi đề nghị bổ sung vào điều 32: Nhà nước có chế độ hỗ trợ kinh phí đối với các VĐV thể thao thành tích cao giành được huy chương vàng trong các giải vô địch quốc gia và các kỳ thi đấu quốc tế giải nghệ khi hết tuổi thi đấu để VĐV có thêm điều kiện tìm việc làm, ổn định cuộc sống. Vì tuổi nghề của VĐV thể thao rất ngắn, hầu hết giải nghệ từ khi còn rất trẻ. Trong quá trình tập trung luyện tập và thi đấu thể thao thành tích cao, VĐV không có điều kiện tập trung học, học nghề dẫn đến hầu hết khi giải nghệ đều rất khó khăn trong cuộc sống.

Thứ ba, về quỹ đất cho thể thao. Khoản 5, điều 65 quy định trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai dành cho công trình TDTT, cơ quan có thẩm quyền phải bố trí quỹ đất tương ứng để thay thế. Tôi đề nghị bổ sung: Hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai dành cho công trình TDTT; đồng thời phải quy định rõ hơn về khái niệm "quỹ đất tương ứng" để thay thế. Trên thực tế, có những trường hợp điều chỉnh quy hoạch, bố trí đất thể thao chỉ tương ứng về diện tích, còn các điều kiện khác không phù hợp nên không thể sử dụng được khiến quy hoạch mãi chỉ là quy hoạch. Thậm chí có đầu tư xây dựng cũng không khai thác được đành bỏ không, gây lãng phí.

Cuối cùng, về đặt cược thể thao, tôi đồng ý phương án bổ sung nội dung quy định về đặt cược thể thao. Hiện nay, đặc cược thể thao đã được Chính phủ cho phép, mặc dù mới chỉ giới hạn ở một số môn có đủ điều kiện gồmđua ngựa, đua chó, thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Đặc cược thể thao cần thiết phải được quy định trong luật, nhưng nên giới hạn ở một số hoạt động thể thao có đủ điều kiện và Chính phủ quyết định danh mục các hoạt động TDTT được phép, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.

Đại biểuNGUYỄN THỊ VIỆT NGA (Hải Dương)

(0) Bình luận
Cụ thể hóa quyền của vận động viên