Khi còn khoảng 3 tiếng trước khi đến Singapore, hành khách Dzafran Azmir cảm thấy chiếc Boeing 777-300ER nghếch lên rồi có cú hẫng đột ngột.
Sau vài giây định thần, Azmir kiểm tra dây toàn toàn. Dây của anh hoạt động bình thường, nhưng nhiều hành khách khác không thắt. Phi công đã không cảnh báo trước khi sự việc xảy ra.
"Cú hẫng rất mạnh, hất tung toàn bộ hành khách không thắt dây an toàn thẳng lên trần máy bay. Nhiều người đập đầu làm móp khoang hành lý, khoang chứa mặt nạ dưỡng khí và đèn trần", Dzafran Azmir, hành khách 28 tuổi người Malaysia, kể. Vào thời điểm đó có những người đang đứng, có người trong nhà vệ sinh và tổ bay đang phục bữa ăn.
"Toàn bộ sự việc xảy ra trong khoảng chưa đầy 10 giây. Thực sự rất nhanh nên nhiều người không kịp phản ứng, đặc biệt là những người đang ngủ", Azmir nói thêm. "Điện thoại văng khỏi tay tôi. Mọi người ngã dúi, nhiều người bị thương ở cột sống và vùng đầu. Phi hành đoàn và những người bên trong nhà vệ sinh bị thương nặng nhất, có người không thể đứng dậy. Giày dép tứ tung khắp khoang".
Azmir là một trong 229 người trên chuyến bay SQ321 của hãng Singapore Airlines gặp sự cố khi đang bay qua Myanmar ngày 21/5, khiến một người thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Singapore Airlines cho biết máy bay gặp nhiễu động "nghiêm trọng và đột ngột" ở độ cao 11.200 mét, 10 tiếng sau khi cất cánh từ London, buộc phi công phát cảnh báo khẩn, chuyển hướng đến Bangkok.
Andrew Davies, đến từ London, cho biết tín hiệu thắt dây an toàn chỉ được bật ngay trước cú hẫng. "Trước lúc đó, chuyến bay diễn ra hoàn toàn bình thường, rất suôn sẻ", ông kể.
Davies đang xem phim thì thấy đèn báo thắt dây an toàn sáng lên nên ông đã làm theo. "Cảm ơn Chúa vì ngay sau đó mọi chuyện giống như địa ngục mở ra. Rất nhiều người bị thương, rách đầu, chảy máu tai. Tôi nghe thấy một phụ nữ la hét trong đau đớn. Đồ vương vãi khắp nơi, cà phê, đồ uống dính trên trần máy bay", ông kể.
Sau sự cố, ông Davies cho biết phi hành đoàn đã tập trung "làm mọi thứ có thể". Những hành khách có chuyên môn y tế cũng dốc hết sức giúp đỡ. "Không ai trong số những người bị thương thắt dây an toàn", ông nhấn mạnh.
Davies ngồi gần Geoffrey Kitchen, nam công dân Anh 73 tuổi tử vong nghi do đau tim sau sự cố. Ông cũng nhìn thấy một hành khách bị thương nặng đến mức phải nằm sàn trong suốt thời gian bay còn lại.
"Tôi đã cố giúp đỡ ông Kitchen, đưa ông ấy ra khỏi ghế và đặt ông ấy xuống sàn để một số người có chuyên môn y tế thực hiện hồi sức tim phổi trong khoảng 20 phút", ông kể.
Jerry, 68 tuổi, cho biết không có cảnh báo nào trước khi máy bay hẫng đột ngột. "Máy bay trước đó không hề rung lắc. Chỉ trong tích tắc vợ chồng tôi đập đầu vào trần máy bay, những người đang đứng lộn nhào. Con trai tôi bị văng xa hai hai hàng ghế, ngã xuống sàn".
Singapore Airlines không cho biết loại nhiễu động nào liên quan sự cố, nhưng các chuyên gia hàng không nhận định đó là nhiễu động trời trong (CAT), vốn được coi là hiện tượng nguy hiểm nhất với máy bay chở khách.
CAT là chuyển động hỗn loạn của không khí trong điều kiện trời quang mây tạnh. Đây là thách thức với nhiều phi công vì hiện tượng này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong điều kiện thời tiết tốt, khiến họ không thể nhận ra.
Theo nghiên cứu năm 2021 của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, tai nạn hàng không liên quan đến nhiễu động không khí là phổ biến nhất. 1/3 số vụ tai nạn cơ quan này ghi nhận liên quan đến nhiễu động không khí, nhiều vụ gây ra thương tích nghiêm trọng song không làm hỏng máy bay.
Chuyến bay SQ321 hạ cánh xuống thủ đô Thái Lan lúc 15h45. Mất khoảng 90 phút để các nhân viên đưa toàn bộ hành khách ra khỏi phi cơ, nhiều người phải nằm cáng.
Singapore Airlines đưa khoảng 140 người có thể tiếp tục hành trình lên một chuyến bay khác để về sân bay Changi ở Singapore rạng sáng 22/5. Các hành khách mệt mỏi, kiệt sức sau trải nghiệm kinh hoàng, một số nhẹ nhõm, mừng rỡ khi đoàn tụ với người thân đang chờ.
Chiew, người Singapore, cho biết con trai ông có mặt trên chuyến bay về nước sau thời gian đến London thăm bạn gái. Khi con trai nhắn tin SQ321 phải chuyển hướng đến Bangkok, vợ chồng Chiew sốc nặng, nói con trai cần lập tức kiểm tra vùng đầu.
"Phi cơ gặp nhiễu động khi nó đang trên đường đến nhà vệ sinh. Thằng bé nói bị quăng quật khắp nơi, may là chỉ bị bầm tím", ông nói. "Nhưng trước đó chúng tôi rất lo bởi không rõ tình trạng của con. Chúng tôi sẽ đi thẳng về nhà, thằng bé cần nghỉ ngơi".
Sau sự cố nhiễu động, Josh, người Anh, nhắn tin cho mẹ là bà Allison Barker. "Con không muốn làm mẹ sợ, nhưng con đang trên một chuyến bay điên rồ, phải hạ cánh khẩn. Con yêu cả nhà", tin nhắn của Josh có đoạn.
Bà Barker tá hỏa khi đọc những dòng này, nhưng không nhận thêm tin nhắn nào từ con trai hai tiếng sau đó. "Thật là đáng sợ. Chúng tôi đã không biết liệu thằng bé còn sống hay đã chết. Đó là hai tiếng dài nhất đời tôi", bà nói.
TN (theo VnE)