Tai nạn hàng không liên quan đến nhiễu động không khí là phổ biến nhất. 1/3 số vụ tai nạn Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ ghi nhận liên quan đến nhiễu động không khí.
Khoảng 15 giờ 45 chiều ngày 21/5, một máy bay của Singapore Airlines phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Suvarnabhumi (Băng Cốc, Thái Lan) sau sự cố nhiễu động không khí cực mạnh khiến 1 hành khách tử vong, ít nhất 30 người khác bị thương.
Được biết, đây là chuyến bay khởi hành từ thủ đô London (Anh) lúc 22 giờ 38 (giờ địa phương) đến Singapore, sử dụng dòng máy bay Boeing 777-300ER. Tổng cộng có 211 hành khách và 18 thành viên phi hành đoàn.
Theo Trung tâm Khí tượng hàng không - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, nhiễu động khí quyển là hiện tượng xuất hiện những dòng không khí có kích thước khác nhau chuyển động rối loạn trên một phạm vi không gian nhất định. Đối với hoạt động bay, nhiễu động khí quyển là hiện tượng thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đối với hoạt động bay. Do chuyển động rối loạn của khí quyển tác động không đồng đều lên các phần thân máy bay nên tạo ra các rung lắc máy.
Nhiễu động khí quyển là hiện tượng thời tiết nguy hiểm đối với hoạt động bay hơn các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác. Các tàu bay nhỏ chịu ảnh hưởng bởi nhiễu động mạnh ngay cả khi nhiễu động có cường độ nhẹ.
Theo nghiên cứu năm 2021 của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, tai nạn hàng không liên quan đến nhiễu động không khí là phổ biến nhất. 1/3 số vụ tai nạn cơ quan này ghi nhận liên quan đến nhiễu động không khí, nhiều vụ gây ra thương tích nghiêm trọng song không làm hỏng máy bay.
Có nhiều loại nhiễu loạn không khí, bao gồm nhiễu loạn cơ học - xảy ra khi không khí gặp các vật cản trên mặt đất như núi hoặc tòa nhà, nhiễu loạn nhiệt - do sự chênh lệch nhiệt độ gây ra, nhiễu loạn đường bay - do không khí bị xáo trộn sau khi máy bay đi qua, và nhiễu loạn do luồng không khí lạnh và nóng va chạm…
Theo một chuyên gia ở Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam, nhiều máy bay hiện đại được trang bị radar thời tiết và các công nghệ dự báo nâng cao giúp dò tìm nhiễu loạn không khí. Tuy nhiên một số loại nhiễu loạn như nhiễu loạn không khí sạch (CAT) không thể dễ dàng phát hiện qua radar vì chúng không liên quan đến mây.
Do vậy, các phi công được đào tạo bài bản về cách xử lý nhiễu loạn, bao gồm việc giữ bình tĩnh, điều chỉnh tốc độ bay và độ cao phù hợp để đảm bảo an toàn, giúp có thể nhanh chóng và hiệu quả đưa máy bay ra khỏi vùng nhiễu loạn.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Reading (Anh) ước tính biến đổi khí hậu do con người gây ra có thể khiến nhiễu loạn xấu tăng hơn gấp ba lần vào những năm 2050 đến 2080. Các nhà nghiên cứu nhận định tình trạng không khí ấm lên do khí thải CO2 là yếu tố ngăn chặn dòng khí lưu thông, làm gia tăng nhiễu động trời trong ở Bắc Đại Tây Dương và trên toàn cầu.
Theo một chuyên gia ở Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam, không có quy tắc hay dữ liệu cụ thể nào chứng minh rằng một mẫu máy bay tốt hơn mẫu khác trong việc xử lý nhiễu loạn. Kích thước chỉ là một yếu tố ảnh hưởng, bên cạnh nhiều yếu tố khác như thiết kế khí động học, hệ thống điều khiển, trọng lượng máy bay... Nhìn chung, máy bay có mặt phẳng lớn thường có khả năng hấp thụ nhiễu loạn tốt hơn. Ví dụ, Airbus A380 và Boeing 747 được đánh giá là hai trong số những máy bay xử lý nhiễu loạn tốt nhất do kích thước khổng lồ của chúng.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc máy bay lớn luôn xử lý nhiễu loạn tốt hơn. Ví dụ, một số mẫu Boeing 757 đời đầu - từng là một trong những máy bay lớn nhất được sử dụng cho các chuyến bay đường ngắn - lại có lịch sử dễ bị ảnh hưởng bởi nhiễu loạn.
Theo chuyên gia, khi máy bay gặp nhiễu động, điều quan trọng nhất là hành khách cần giữ bình tĩnh và tuân theo hướng dẫn của tiếp viên hàng không. Việc hoảng loạn, la hét hay di chuyển đột ngột có thể khiến tình hình thêm rối ren và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Với hành khách khi đi máy bay, nên nhớ thắt dây an toàn trong suốt chuyến bay, nhất là khi dự báo có thể xảy ra nhiễu loạn. Chỉ một thao tác nhỏ này cũng giúp giảm thiểu rủi ro chấn thương do bị hất văng hoặc va đập trong cabin khi có nhiễu loạn.
Tại Việt Nam, Trung tâm Khí tượng Hàng không đã được đầu tư nhiều trang thiết bị khí tượng hiện đại, nghiên cứu khai thác nhiều nguồn số liệu khí tượng tin cậy, chất lượng như ảnh mây vệ tinh độ phân giải cao, radar thời tiết, sản phẩm dự báo thời tiết toàn cầu, các sản phẩm dự báo số… Các dự báo viên được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm, thường xuyên trao đổi và hợp tác quốc tế.
Các bản tin dự báo, cảnh báo, các thông tin khí tượng quan trắc được cập nhật, cung cấp cho cơ quan không lưu, tổ bay, nhà khai thác tàu bay và các đối tượng khác luôn đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời, chất lượng cao cho suốt quá trình của một chuyến bay từ giai đoạn lập kế hạch, cất cánh, bay bằng và hạ cánh.
Nhiễu động khí quyển là một trong các hiện tượng thời tiết nguy hiểm mà các dự báo viên của Trung tâm khí tượng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất và Trung tâm Cảnh báo thời tiết thuộc Trung tâm Khí tượng hàng không theo dõi liên tục 24/24, phát hành, tư vấn nhanh chóng, chính xác.
Đã có một số sự cố trong những tháng gần đây liên quan đến nhiễu loạn không khí nghiêm trọng. Vào đầu tháng 3/2023, bảy người phải nhập viện sau khi nhiễu loạn nghiêm trọng xảy ra trên chuyến bay Lufthansa từ Austin, Texas, đến Frankfurt, Đức, Đài truyền hình NBC đưa tin. Chuyến bay chở 184 người buộc phải chuyển hướng và cuối cùng hạ cánh an toàn.
Vào tháng 12/2022, một chuyến bay của Hawaiian Airlines đi từ Phoenix, Arizona đến Honolulu, Hawaii (Mỹ) gặp phải nhiễu động nghiêm trọng khiến 25 người bị thương. Theo Hawaiian Airlines, chuyến bay chở 278 khách. Sự hỗn loạn nghiêm trọng đến mức làm hỏng phần bên trong của máy bay.
Vào năm 2021, một chuyến bay của American Airlines trên đường đến Florida đã phải chuyển hướng đến Louisiana sau khi nhiễu động khiến 10 người trên máy bay bị thương.
Năm 2019, ít nhất 35 người bị thương sau khi một chuyến bay của Air Canada, đi từ Toronto, Canada đến Sydney, Úc, bất ngờ gặp sóng gió. Chuyến bay buộc phải hạ cánh xuống Honolulu.