Góc nhìn

“Cú đấm vô hình”

DƯƠNG LAN 17/11/2023 07:30

Hành vi bạo lực tinh thần trong gia đình âm thầm, nguy hiểm và khó nhận biết.

cha.jpg
Tiểu phẩm "Hạnh phúc tỏa sáng" của Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) truyền tải thông điệp bình đẳng giới và phòng chống bạo lực tinh thần trong gia đình

Tiểu phẩm “Hạnh phúc tỏa sáng” do Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững của xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) thể hiện tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 vào sáng 15/11 khiến không ít người xúc động. Đặc biệt câu nói của người cha trong tiểu phẩm: "Nỗi đau về thể xác khủng khiếp lắm, nỗi đau tinh thần còn khủng khiếp hơn" đã khiến chúng ta nhìn nhận một cách toàn diện hơn về bạo lực trong gia đình. Đó không chỉ là bạo lực thể xác mà còn là bạo lực tinh thần. Hành vi bạo lực này giống như những "cú đấm vô hình" làm tổn thương không ít người.

Được biết, năm 2022, Hải Dương có gần 10 vụ tự tử, nghi tự tử. Trong 10 tháng qua, số vụ tự tử xảy ra trên địa bàn tỉnh cũng không ít. Nhiều người cho rằng các trường hợp trên đều có dấu hiệu trầm cảm hoặc gặp khó khăn dẫn đến hành vi tiêu cực. Không ít người trong số đó bị tổn thương tinh thần dài ngày, sống trong uất ức và phải tìm đến cái chết như vụ một phụ nữ ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) đã cùng hai con tự tử trên sông Thái Bình vào tháng 5/2022.

Bạo lực tinh thần có rất nhiều cách, đầu tiên phải kể đến là bạo lực ngôn từ, dùng những lời lẽ thóa mạ, lăng nhục, chửi mắng, xúc phạm những người thân trong gia đình. Ngoài ra còn là những hành động gây tổn thương như cô lập, xua đuổi, bỏ bê người thân. Việc cố gắng kiểm soát các thành viên trong gia đình như ràng buộc tự do tài chính, hôn nhân, ép buộc con cái làm theo ý mình cũng là bạo lực tinh thần mà ít người nhận thấy.

Một khảo sát mới đây của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho thấy có tới 66% số trường hợp ly hôn xảy ra do bạo hành gia đình, trong đó 25% số trường hợp có liên quan đến bạo hành tinh thần. Bạo lực tinh thần trong gia đình không chỉ để lại tổn thương, trầm cảm cho người trưởng thành mà còn ám ảnh cả tâm lý của trẻ nhỏ. Chịu ảnh hưởng của bạo hành tinh thần trong gia đình khiến các em tìm cách thu mình lại, lâu dần mất đi khả năng phát triển, hòa nhập với xã hội, tệ hơn chính là làm trẻ nhỏ mất đi niềm tin, hy vọng vào cuộc sống.

Bạo lực tinh thần trong gia đình đúng là những "cú đấm vô hình", khó định lượng và phát hiện.

Nhiều gia đình ở Việt Nam thường quan niệm "Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại", "xấu chàng hổ ai" hay khi gia đình có chuyện thường khuyên "đóng cửa bảo nhau"... Chính tâm lý này khiến bạo lực tinh thần trong nhiều gia đình âm thầm nảy sinh và phát triển.

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội… ban hành năm 2021 của Chính phủ, phạt từ 5-10 triệu đồng nếu có hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thân. Với các hành vi sử dụng phương tiện truyền thông, phát tờ rơi, phát tán hình ảnh của người trong gia đình nhằm bôi nhọ danh dự hoặc hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bỏ mặc không chăm sóc người thân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Theo điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì tội làm nhục người khác còn bị phạt từ 2-5 năm tù...

Tháng hành động bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 tại Hải Dương được phát động vào sáng 15/11 truyền thông điệp mạnh mẽ là xoá bỏ định kiến giới, ngăn ngừa bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực tinh thần. Để gia đình thực sự là chốn bình yên, hạnh phúc thì mỗi người hãy nói không với bạo lực gia đình dù đó là bạo lực thể xác hay tinh thần.

DƯƠNG LAN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Cú đấm vô hình”