Giáo dục

Thiệt thòi giáo viên trường tư

PHONG TUYẾT 22/10/2023 11:00

Nhiều giáo viên miệt mài làm việc ở trường tư thục nhưng chỉ coi đó là biện pháp tạm thời trong khi chờ thi tuyển vào trường công lập. Vì đâu nhiều giáo viên ở Hải Dương không muốn gắn bó với trường tư?

00:00

ngthiloan(1).jpg
Chị Nguyễn Thị Loan (Gia Lộc) thi viên chức để vào làm việc ở một trường công lập, dù chị đã là Phó Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở TP Hải Dương (ảnh do nhân vật cung cấp)

Chuộng trường công

Thiệt thòi lớn nhất của giáo viên trường tư thục ở Hải Dương là do tâm lý xã hội phần lớn ưa chuộng, trọng vọng giáo viên trường công.

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 46 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 15 trường THPT (1 trường phổ thông có nhiều cấp học) tư thục. TP Hải Dương là địa bàn có nhiều trường tư thục nhất.

Chị Nguyễn Thị Loan, một giáo viên mầm non mới thi đỗ viên chức và công tác tại Trường Mầm non xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) thở phào vì cuối cùng cũng được vào trường công sau nhiều lần lỡ dở. Trước đó, chị Loan làm việc tại một trường mầm non tư thục khá uy tín ở TP Hải Dương. Nhiệt huyết, năng động, chuyên môn vững nên chị Loan đã từng giữ chức Phó Hiệu trưởng của trường. Tuy nhiên, sau đó chị bằng lòng thi viên chức để về quê làm giáo viên ở trường công lập.

Nhớ lại những ngày làm việc ở trường tư thục, chị Loan cho biết ở vị trí Phó Hiệu trưởng, mức thu nhập của chị cao hơn hiện nay nhưng gia đình, người thân và bạn bè đánh giá công việc hiện tại của chị ở trường công đáng giá, ổn định hơn. "Cũng vì tâm lý chuộng trường công hơn trường tư thục nên bố mẹ hai bên và bạn bè thường thúc giục, khuyên tôi thi viên chức cho ổn định. Công việc tôi đang làm khi ở trường tư chỉ được xem là giải pháp tình thế chứ không có cơ hội phát triển thêm", chị Loan chia sẻ.

Tâm sự của chị Loan cũng là nỗi niềm chung của nhiều giáo viên trường tư ở Hải Dương. Việc coi trọng trường công hơn trường tư khiến nhiều giáo viên trường tư có tâm lý không ổn định. Trong bối cảnh chung thiếu giáo viên, các trường tư thục ở Hải Dương càng khó tuyển người dù chi trả mức lương khá hấp dẫn và nhiều chế độ hỗ trợ như có nơi ở, phương tiện đi lại...

Cơ chế, chính sách còn bất cập

mnsmai26b5c7076fa9e9044d88e76ebd18f59e6(1)d2dcefae6defaad733bbef547c181e9a.jpg
Giáo viên trường tư thục ở Hải Dương không được thực hiện chế độ thâm niên. Ảnh: Một tiết học ở Trường Mầm non và Tiểu học Sao Mai (TP Hải Dương)

Vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương giám sát tình hình tổ chức, hoạt động của một số trường tư thục trên địa bàn tỉnh. Nhiều trường đã phản ánh những thiệt thòi của giáo viên và mong mỏi được xem xét, sửa đổi. Cụ thể là 128 cán bộ quản lý và 1.248 giáo viên trường tư thục ở Hải Dương đang chịu thiệt thòi vì một số cơ chế, chính sách chưa có hoặc có nhưng chưa được quan tâm thực hiện.

Đơn cử, việc xem xét thi đua, khen thưởng với trường tư thục và các giáo viên trường tư chưa được quan tâm đúng mức. Trường Mầm non Fairy (TP Chí Linh) phản ánh các giáo viên của trường chưa được xem xét thi đua, khen thưởng như trường công lập. Không chỉ giáo viên thiệt thòi mà trường tư thục ở Hải Dương cũng hiếm khi được các cấp quan tâm xét khen thưởng khi có thành tích xuất sắc.

Tại Trường THCS và THPT Marie Curie (TP Hải Dương), một số giáo viên không được tham gia coi thi, chấm thi, phục vụ các kỳ thi chung. Mấy năm trước, từng có một số giáo viên trường này được tham gia phục vụ các kỳ thi và nhận thấy đây là một cơ hội tốt để giao lưu, học hỏi. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, giáo viên trường tư thục ở Hải Dương không được triệu tập phục vụ các kỳ thi do không bảo đảm kỹ năng, kinh nghiệm.

Theo ông Phạm Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS và THPT Marie Curie, nhà trường rất mong muốn các giáo viên được tham gia phục vụ kỳ thi chung để được cọ xát, học hỏi. "Chúng tôi chỉ mong thầy, cô giáo trường tư thục cũng được phục vụ các kỳ thi lớn nhằm từng bước trau dồi, nâng cao kỹ năng. Nhà trường sẵn sàng tự chi trả chi phí cho các thầy cô mà không cần nhận hỗ trợ gì thêm", ông Khánh cho biết. Một số trường tư thục trên địa bàn tỉnh cũng kiến nghị điều này.

Bên cạnh đó, việc không có nhiều cơ hội thăng tiến như ở trường công lập cũng là thiệt thòi của giáo viên trường tư thục. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện đa số các trường tư thục thực hiện chi trả cho đội ngũ giáo viên cơ hữu của trường theo bậc lương như viên chức các trường công lập nhưng tất cả các trường tư thục ở Hải Dương không thực hiện chế độ thâm niên đối với giáo viên. Tỉnh cũng chưa có chế độ hỗ trợ cho giáo viên tư thục đi học nâng chuẩn trong khi điều kiện về tài chính, thời gian bố trí để đi học nâng chuẩn của giáo viên tư thục rất khó khăn. Mục tiêu của tỉnh đặt ra là phấn đấu 100% giáo viên đạt chuẩn đào tạo ở các cấp học vào năm 2025.

Những nguyên nhân đó khiến giáo viên trường tư thục ở Hải Dương đang chịu nhiều thiệt thòi. Trường tư cũng khó tuyển giáo viên. Sau khi kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục diễn ra, nhiều giáo viên xin nghỉ đột ngột, trường tư lại chật vật tìm giáo viên thay thế.

PHONG TUYẾT
(0) Bình luận
Thiệt thòi giáo viên trường tư