Một cố vấn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 2/6 xác nhận Israel đã chấp nhận một khung thỏa thuận giảm bớt căng thẳng chiến tranh ở Gaza trước đó được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Sunday Times của Anh, Ophir Falk, cố vấn trưởng về chính sách đối ngoại của Thủ tướng Netanyahu, cho biết đề xuất của Tổng thống Biden là "một thỏa thuận mà chúng tôi đã nhất trí”. Tuy nhiên, ông này miêu tả đây là một thoả thuận vẫn còn những thiếu sót và cần phải thực hiện nhiều việc hơn.
“Còn rất nhiều chi tiết cần được giải quyết”, cố vấn Ophir nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng các điều kiện của Israel, bao gồm cả việc “trả tự do cho các con tin và tiêu diệt Hamas như một tổ chức khủng bố diệt chủng” vẫn không thay đổi.
Trước đó, trong ngày 31/5, Tổng thống Biden đã công bố một kế hoạch ba giai đoạn nhằm chấm dứt chiến tranh tại Gaza.
Giai đoạn đầu tiên sẽ kéo dài trong 6 tuần và bao gồm lệnh ngừng bắn "đầy đủ và hoàn chỉnh", như Israel rút lực lượng khỏi tất cả các khu vực đông dân cư ở Gaza và thả một số con tin bao gồm cả phụ nữ, người già, người bị thương để đổi lấy việc thả hàng trăm tù nhân Palestine.
Trong giai đoạn này, thường dân Palestine sẽ trở về nhà và khu vực lân cận của họ ở tất cả các khu vực của Gaza, trong khi hỗ trợ nhân đạo sẽ tăng lên 600 xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza mỗi ngày. Giai đoạn đầu tiên cũng sẽ bao gồm các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas để đi đến giai đoạn tiếp theo của đề xuất.
Giai đoạn thứ hai được Tổng thống Biden miêu tả là “giai đoạn chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo nói thêm các cuộc đàm phán để đi đến giai đoạn thứ hai có thể mất hơn 6 tuần vì sẽ có những khác biệt giữa hai bên. Mỹ, Qatar và Ai Cập sẽ đảm bảo rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong thời gian này cho đến khi "đạt được tất cả các thỏa thuận" để bắt đầu giai đoạn thứ 3. Theo ông Biden, trong giai đoạn thứ hai, tất cả các con tin còn sống sẽ được thả, bao gồm cả binh sĩ nam.
Trong giai đoạn thứ ba, Tổng thống Biden cho biết sẽ bắt đầu triển khai một kế hoạch tái thiết lớn cho Gaza và hài cốt của các con tin thiệt mạng sẽ được trao trả cho gia đình.
Trong thỏa thuận tái thiết Gaza, các quốc gia Arab và cộng đồng quốc tế cũng sẽ tham gia đảm bảo Hamas không tái vũ trang. Tổng thống Biden nói thêm Washington sẽ hợp tác với các đối tác để xây dựng lại nhà cửa, trường học và bệnh viện ở Gaza, nơi chiến tranh đã khiến gần 2,3 triệu dân phải di dời và gây ra nạn đói trên diện rộng.
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Biden đã nhiều lần đề xuất các kế hoạch ngừng bắn tương tự như kế hoạch ngày 31/5 song tất cả đều thất bại. Hồi tháng 2, ông cho biết Israel đã đồng ý ngừng giao tranh vào dịp Ramadan, tháng lễ thiêng liêng của người Hồi giáo bắt đầu vào ngày 10/3. Tuy nhiên, không có thỏa thuận ngừng bắn nào như vậy được thực hiện.
Vấn đề mấu chốt chính là việc Israel kiên quyết cho rằng họ sẽ chỉ thảo luận về việc tạm dừng chiến đấu tạm thời cho đến khi Hamas bị tiêu diệt. Về phần mình, Hamas cũng không có dấu hiệu bước đầu hàng và tin rằng giải thoát con tin là phương án duy nhất kết thúc vĩnh viễn chiến tranh.
Cố vấn Ophir nhấn mạnh lại quan điểm của Thủ tướng Netanyahu rằng "sẽ không có lệnh ngừng bắn vĩnh viễn cho đến khi tất cả các mục tiêu của chúng tôi được đáp ứng".
Hiện Thủ tướng Netanyahu cũng đang chịu áp lực phải duy trì chính phủ liên minh. Hai đối tác cực hữu đã đe dọa sẽ phản đối bất kỳ thỏa thuận nào mà họ cho là có lợi cho Hamas. Một đối tác trung hoà, cựu tướng Benny Gantz, muốn thỏa thuận này được xem xét.
Phong trào Hồi giáo Hamas tạm thời hoan nghênh sáng kiến của Tổng thống Biden. Ngày 2/6, một quan chức của Hamas, Osama Hamdan, nói với Al Jazeera: "Bài phát biểu của Tổng thóng Biden bao gồm những ý tưởng tích cực, nhưng chúng tôi muốn điều này thành hiện thực trong khuôn khổ một thỏa thuận toàn diện đáp ứng nhu cầu của chúng tôi".
Hamas muốn đảm bảo chấm dứt cuộc tấn công ở Gaza, Israel rút toàn bộ lực lượng, người Palestine tự do di chuyển và các bên viện trợ tái thiết.