Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh đề xuất nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza sẽ mang lại lợi ích cho cả Israel, Palestine cũng như an ninh lâu dài của khu vực.
Ngày 31/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan để thảo luận đề xuất nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và đảm bảo việc trả tự do cho các con tin.
Ngoại trưởng Blinken đã thực hiện các cuộc điện đàm ngay trên máy bay khi ông trở về nước sau một cuộc họp của Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Prague, Cộng hòa Séc.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, tại các cuộc điện đàm, ông Blinken kêu gọi Hamas ngay lập tức chấp nhận thỏa thuận này.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh đề xuất này mang lại lợi ích cho cả Israel, Palestine, cũng như an ninh lâu dài của khu vực.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Israel đã đưa ra "lộ trình" hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza để đổi lấy hành động trả tự do cho các con tin.
Đề xuất gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với lệnh ngừng bắn “đầy đủ và toàn diện” kéo dài 6 tuần. Trong khoảng thời gian này, các lực lượng Israel sẽ rút khỏi Gaza và các con tin - bao gồm người cao tuổi, phụ nữ và người bị thương - sẽ được đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine.
Dân thường Palestine sẽ trở về Gaza, trong đó có miền Bắc Gaza, và mỗi ngày sẽ có 600 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ của Palestine.
Trong giai đoạn thứ hai, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch.
Tổng thống Biden khẳng định lệnh ngừng bắn “sẽ vẫn được duy trì chừng nào tiến trình đàm phán còn tiếp diễn." Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.
Ngay sau khi Washington công bố đề xuất trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã hoan nghênh, coi đây là "cơ hội quan trọng" nhằm chấm dứt xung đột.
Bà von der Leyen cho rằng cách tiếp cận 3 giai đoạn này là cân bằng và thực tế, đồng thời mong muốn nhận được sự ủng hộ của tất cả các bên. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh đề xuất này "mang đến tia hy vọng" và là "lộ trình khả thi" để đưa cuộc xung đột thoát khỏi bế tắc.
Trong khi đó, Phong trào Hồi giáo Hamas cũng ra tuyên bố khẳng định sẵn sàng tham gia "một cách tích cực và theo hướng xây dựng" với bất kỳ đề xuất nào dựa trên cơ sở về lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza, việc Israel rút quân, tái thiết Gaza, những người di dời được trở về nhà và "thỏa thuận trao đổi tù nhân thực sự" nếu Israel "tuyên bố rõ ràng cam kết với thỏa thuận như vậy."
Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông không đồng tình với cách trình bày của Tổng thống Biden liên quan đến đề xuất hướng tới thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.
Theo Thủ tướng Netanyahu, việc chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo trong lộ trình đề xuất là “có điều kiện" nhằm cho phép Israel duy trì các mục tiêu của mình.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ ông Netanyahu đã ủy quyền cho nhóm đàm phán của mình đưa ra thỏa thuận, trong khi nhấn mạnh "xung đột sẽ không kết thúc" cho đến khi đạt được toàn bộ mục tiêu, trong đó có việc trả tự do cho tất cả con tin, phá hủy khả năng quân sự và bộ máy của Hamas.
Trong một tuyên bố riêng rẽ, quân đội Israel cho biết đã kết thúc chiến dịch ở khu vực Jabalia phía Bắc Gaza, trong khi tiến sâu hơn vào Rafah ở phía Nam Gaza.
Giới phân tích cho rằng những tuyên bố và động thái trên của Israel có thể "dội gáo nước lạnh," làm tắt những hy vọng về triển vọng hòa bình.
TB (theo TTXVN)