Sau 9 năm bị lừa bán sang Trung Quốc, Kha Thị Kim Dân dần quên tiếng mẹ đẻ nhưng nỗi nhớ quê hương vẫn khiến cô thổn thức hằng đêm.
Kha Thị Kim Dân (năm nay 21 tuổi, Tà Cạ, Kỳ Sơn, Nghệ An) từng bị người họ hàng lừa bán sang Trung Quốc.
Suốt 9 năm, mặc dù tiếng mẹ đẻ dần mai một nhưng trong lòng cô chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ quê hương. Cô luôn khát khao được về nhà.
9 năm lưu lạc xứ người
Bố mẹ Dân sinh được ba người con. Cô là con thứ hai. Ngôi nhà của gia đình Dân nằm ở bản Sơn Thành - một bản làng xa xôi, heo hút.
Bà Xeo Thị Oanh - mẹ Dân quanh năm cắm mặt vào nương rẫy. Bố Dân nghiện ma túy nặng, trong nhà có bất cứ thứ gì bán được, ông đều tìm cách mang đi.
Cô gái Kha Thị Kim Dân và mẹ. Ảnh: Sĩ Ỏn
Dân nhiều lần chứng kiến cảnh mẹ còng lưng trên nương, khóe mắt ướt sau đêm thức trắng. Cô thương mẹ, sau giờ học, lên rẫy hái rau mang ra chợ bán.
Mười hai tuổi, Dân gầy gò, đen đúa cõng rau đi bán. Trên đường đi, cô gặp người họ hàng. Người này rủ Dân sang Lào làm, hứa sẽ tìm cho cô công việc, kiếm tiền gửi về giúp mẹ.
Cô bé ngây thơ, chưa va vấp sự đời nhanh chóng bị thuyết phục. Sau chuyến xe đường dài, Dân giật mình biết mình bị lừa. Nơi cô đến không phải Lào mà là Hà Nam (Trung Quốc).
Gia đình nghèo mua cô về làm vợ cậu con trai cả. Họ nhìn thấy Dân bé xíu, đôi mắt ầng ậc nước, bỗng động lòng trắc ẩn. Vợ chồng đó nhận Dân làm con nuôi và từ bỏ ý định ban đầu.
Bố mẹ nuôi thương Dân như con gái ruột. Họ lấy giấy bút về dạy cô tiếng Trung.
Tháng ngày còn nhớ tiếng Việt, Dân nắn nót viết tên bố mẹ, chị gái và em trai cùng địa chỉ gia đình vào quyển vở. Đó là cách cô ghi nhớ lại gốc tích của mình.
Nơi xứ người, Dân theo bố mẹ nuôi trồng trọt, chăn nuôi. Hai năm đầu, gần như cô không giao tiếp, không trò chuyện cùng ai.
Một phần vì không hiểu tiếng bản địa, một phần vì cô sợ. Đêm nào cô gái nhỏ cũng khóc, thầm gọi tên mẹ, lo mình bị bán thêm một lần nữa.
Trong lòng Dân chứa đầy sự hoảng loạn. Cô luôn khắc khoải mong mẹ tìm được đến đây, đưa cô về.
Ngày này qua tháng khác, cô gái Việt Nam dần chấp nhận rằng, có thể cả cuộc đời này, cô không còn gặp lại mẹ nữa.
Bố mẹ nuôi thương cảm, giúp đỡ Dân hòa nhập với cuộc sống mới. Cô cũng tự học cách sinh tồn, thích nghi…
Ở Việt Nam, bà Oanh mỏi mắt ngóng tin con. Một tháng sau khi bán Dân, người họ hàng kia về nước. Bà ta báo cho mẹ Dân biết, cô đã sang Lào rửa bát thuê. Cuối năm sẽ mang tiền về.
Bà Oanh nào cần tiền của con gái, bà chỉ mong con bình an là đủ. Hai Tết trôi qua, ngày đoàn tụ càng xa vời.
Người mẹ nghèo sang nhà họ hàng hỏi tin con nhưng bà ta đã bỏ đi biệt tích. Một thời gian sau, thông tin người họ hàng bị bắt vì buôn bán người trái phép, bà mới hay con gái mình đã bị bán.
Bà định đi tìm con. Mọi người lên tiếng can ngăn, bởi biển người mênh mông bà biết đến đâu tìm. Trong khi đó, ở nhà, bà vẫn còn hai đứa con phải lo.
Nếu không cẩn thận, có thể chúng lại là nạn nhân tiếp theo của bọn buôn người. Bà nén đau, đành từ bỏ ý định. Năm 2017, vợ chồng bà Oanh ly hôn. Năm 2019, bà đi bước nữa.
Đường về nhà
Năm tháng lưu lạc xứ người, Dân không có giấy tờ tùy thân nên bố mẹ nuôi không cho cô đi đâu xa, sợ người ta bắt được lại sinh phiền phức.
Mãi 4 năm sau ngày bị lừa bán, cô mới được ra ngoài xa hơn. Dân đi bán quần áo thuê, kiếm tiền gửi về cho bố mẹ nuôi nhưng họ trả lại, dặn cô để dành phòng thân.
Lúc này, Dân gần như quên hết tiếng Việt. Tại đây, cô có nhiều người bạn mới. Cô từng kể cho họ câu chuyện của mình. Bạn bè khuyên Dân nên báo cho công an nhưng cô không dám.
Các ban, ngành và đoàn thể đến động viên Dân.
Tháng 5.2019, cô quen một chàng trai Việt Nam tên Phương (22 tuổi) đang làm việc và sinh sống ở Trung Quốc qua mạng xã hội wechat. Cô nhờ người này đăng thông tin tìm giúp mình gia đình ở Việt Nam.
Chàng trai tốt bụng đăng thông tin lên Facebook. Thông tin được anh Cụt Sĩ Ỏn - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An) xem được. Anh Ỏn liên lạc với Phương và cho biết, Dân là cháu họ của mình.
Dân trò chuyện với mọi người bằng vốn tiếng Việt ít ỏi.
“Để Phương tin tưởng, tôi phải gửi ảnh mình đang đứng trong UBND xã Tà Cạ để cậu ấy cho Kim Dân xem. Khi Kim Dân xác nhận đúng là họ hàng, Phương mới kết nối cho hai bên gặp nhau”, anh Ỏn nhớ lại.
Anh Ỏn và gia đình báo tin lên cơ quan chức năng. Công an tỉnh Nghệ An vào cuộc xác minh và liên hệ với các tổ chức, giải cứu Dân về nước.
Giây phút đoàn tụ, bà Oanh chạy đến ôm con vào lòng. Gần 10 năm mòn mỏi đợi tin, có lúc bà nghĩ con đã chết. Bà không ngờ, có ngày mẹ con còn nhìn thấy nhau. Câu đầu tiên Dân nói là: “Con nhớ mẹ”.
Thời gian trong khu vực cách ly, sống cùng người Việt Nam, cô đã nhớ lại được một chút tiếng Việt.
Những ngày mới về Việt Nam, Dân cảm giác lạ lẫm với chính người thân. Bà Oanh cố làm cho con gái vui, cố cho con hiểu mình yêu con thế nào.
Thế nhưng, bà khóc hết nước mắt khi con gái bày tỏ nguyện vọng, muốn làm hộ chiếu để quay lại Trung Quốc sống. Chín năm qua, cô đã quen thuộc với bên đó. “Tôi không muốn con đi đâu nữa”, bà Oanh nghèn nghẹn nói.
Dân chia sẻ, cô có mối tình 2 năm với chàng trai Trung Quốc. Họ dự định sẽ kết hôn.
Mặc dù được mẹ và gia đình yêu thương nhưng cô lạc lõng khi ai cũng có cuộc sống riêng. “Tôi sống ở đâu, Việt Nam vẫn là quê hương, là nguồn gốc của tôi. Đó là lý do, tại sao 9 năm qua tôi luôn đau đáu tìm đường về. Giờ tôi có 2 gia đình", Dân thổ lộ.
Một ngày tháng Chín, Dân cùng mẹ và chị gái lên UBND xã Tà Cạ làm căn cước công dân, chuẩn bị giấy tờ làm hộ chiếu.
Ông La Pa Vin - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An) thông tin: “Kim Dân là nạn nhân trở về sau 9 năm bị lừa bán sang Trung Quốc. Phòng LĐTB&XH cùng cơ quan ban ngành đã đến thăm hỏi, tặng quà và động viên Kim Dân. Cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn gia đình các thủ tục cần thiết, cấp quyền công dân cho cô.
Những năm qua, tệ nạn buôn bán người qua biên giới diễn ra phức tạp. Chính quyền địa phương liên tục có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục đồng bào đề cao cảnh giác, giảm thiểu tình trạng này”.
Theo Vietnamnet