Có bắt buộc học tiếng Đức, tiếng Hàn ở phổ thông?

29/03/2021 10:53

Việc Bộ Giáo dục và đào tạo quyết định ban hành chương trình giáo dục phổ thông tiếng Hàn và tiếng Đức - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm đã ngay lập tức khiến dư luận rất quan tâm.


Đa số ý kiến đồng quan điểm chọn tiếng Anh là môn dạy bắt buộc trong các cơ sở giáo dục hơn là các thứ tiếng khác 

Đa số không đồng tình

Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 9.2.2021. Theo đó, môn tiếng Hàn và tiếng Đức được coi là ngoại ngữ 1, tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12. Mục tiêu là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn ngẫu nhiên khoảng 40 người gồm học sinh, nhà quản lý giáo dục, giáo viên, người làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp... Kết quả là chỉ có 5 người đồng ý với chủ trương trên. "Nước ta đang mở rộng hợp tác quốc tế, học sinh biết nhiều thứ tiếng càng tốt chứ sao. Tôi thấy ở Hải Dương cũng có nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc. Người dân biết tiếng của họ sẽ dễ được nhận việc hơn, vị trí việc làm cũng tốt hơn lao động bình thường", chị Nguyễn Thu Phương ở phường Sao Đỏ (Chí Linh), một trong số những người đồng tình với chủ trương trên nói.

Chị Trần Thị Giang có kinh nghiệm 3 năm dạy tiếng Hàn tại Trung tâm Hàn ngữ Sarang (Cẩm Giàng) cũng đồng tình với quyết định trên. Hiện có khoảng 80% số học viên của chị đang làm tại các doanh nghiệp có 100% vốn Hàn Quốc trong tỉnh. Chị Giang cho biết việc biết thêm ngoại ngữ giúp người lao động hưởng mức lương cao hơn, từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, phần lớn người được phỏng vấn, trong đó có cả một số nhà quản lý giáo dục đều cho rằng việc đưa hai thứ tiếng Hàn và Đức vào giảng dạy sẽ làm cho học sinh càng áp lực. "Các em hiện chỉ học mỗi một môn tiếng Anh mà còn trầy trật, giờ đưa 2 thứ tiếng này vào nữa thì tôi khẳng định hiệu quả sẽ còn kém hơn. Theo tôi cứ ưu tiên học tiếng Anh thôi, các thứ tiếng khác thì tính sau", một nhà quản lý giáo dục nêu quan điểm.

Anh Tống Văn Chiến ở phường Hiệp An (thị xã Kinh Môn) đang có 2  con theo học tiếng Anh chia sẻ: "Từ trước tới nay tiếng Anh vẫn là ưu tiên số 1 khi các cơ quan, doanh nghiệp tuyển dụng. Theo tôi cứ học tốt một ngôn ngữ này trước. Tiếng Hàn với tiếng Đức thì nên đăng ký học theo nhu cầu, đừng nên bắt buộc".

Em Đỗ Văn Quyến, học sinh lớp 11C Trường THPT Phúc Thành (Kinh Môn) cho biết: "Tiếng Anh là ngôn ngữ mà rất nhiều nước sử dụng, trong khi tiếng Đức và tiếng Hàn thì ngược lại. Tại Việt Nam em cũng thấy thế. Nhiều năm nay việc học tiếng Anh vẫn được duy trì, được xã hội ủng hộ. Em nghĩ việc học tiếng Hàn, tiếng Đức chỉ phù hợp với những người đi xuất khẩu lao động hoặc du học".

Đa số ý kiến cũng đồng quan điểm chọn tiếng Anh là môn dạy bắt buộc trong các cơ sở giáo dục hơn là các thứ tiếng khác. Thực tế cho thấy tại Hải Dương số lượng các trung tâm dạy tiếng Anh nhan nhản nhưng các trung tâm dạy các ngoại ngữ khác không nhiều, nếu có cũng ít người theo học. Trung tâm Hàn ngữ Sejong Hải Dương (TP Hải Dương) hiện mới có khoảng 12 học viên theo học với mục đích đi du học là chính.

Do hiểu chưa đúng

Nhiều người đang hiểu tiếng Đức và tiếng Hàn được coi là ngoại ngữ 1 thì mặc nhiên sẽ trở thành môn học bắt buộc. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì đây không phải là môn học bắt buộc.

Năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản cho phép học sinh được lựa chọn 1 trong 4 ngoại ngữ, gồm: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung làm ngoại ngữ 1. Năm 2011, bộ bổ sung tiếng Nhật được dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ 1 hoặc ngoại ngữ 2, tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học. Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn 1 trong 5 ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai. Ví dụ như học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn học tiếng Nhật hoặc tiếng Pháp... như ngoại ngữ thứ hai.

Đến thời điểm này, tiếng Anh là môn học duy nhất được ghi trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là “môn bắt buộc”, tất cả các ngoại ngữ còn lại như tiếng Nhật, Pháp, Nga… đều là môn ngoại ngữ tự chọn.

Như vậy có thể hiểu Bộ Giáo dục và đào tạo bổ sung hai ngôn ngữ tiếng Hàn và tiếng Đức vào chương trình phổ thông là việc không mới, còn có chọn học hai thứ tiếng này hay không là quyền của học sinh, không bắt buộc.

TIẾN MẠNH - HẢI HÒA

(0) Bình luận
Có bắt buộc học tiếng Đức, tiếng Hàn ở phổ thông?