Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong nằm giữa vùng lõi vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai) từng là một trong những cơ sở giáo dục khó khăn bậc nhất cả nước. Nay, ngôi trường này đã có những bước phát triển vượt bậc với sự góp sức không nhỏ của thầy giáo người Hải Dương - Nguyễn Văn Thuấn.
Vượt núi, băng rừng đưa học trò tới lớp
Dù đã có nhiều dịp vào Gia Lai nhưng cuối tháng 5 vừa rồi mới là lần đầu tiên chúng tôi biết đến vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Vườn quốc gia này có tổng diện tích 41.780 ha, thuộc địa bàn 3 huyện Mang Yang, Kbang và Đắk Đoa, trong đó 80% là rừng tự nhiên.
Anh Huỳnh Ngọc Bảo Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kbang kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện liên quan đến vườn quốc gia Kon Ka Kinh, về những người Hải Dương đã vào vùng đất này lập nghiệp từ gần nửa thế kỷ trước. Nhưng nhân vật khiến chúng tôi ấn tượng hơn cả là thầy giáo người Hải Dương có tên Nguyễn Văn Thuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong.
“Giữa đại ngàn thiếu thốn, gian khó đủ bề, anh Thuấn đã vượt lên biết bao gian truân, vất vả, quyết tâm gieo cái chữ, mở tương lai cho con em người đồng bào dân tộc Ba na. Người dân trong này biết ơn anh ấy nhiều lắm”, anh Long nói.
Chúng tôi gặp thầy Thuấn (sinh năm 1978, quê xã Cổ Bì, huyện Bình Giang) vào thời điểm nhà trường vừa tổng kết năm học 2023-2024. Anh niềm nở tiếp đón, vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về sự nghiệp trồng người ở Kbang.
Từ lâu, qua từng trang sách, tình yêu đại ngàn Tây Nguyên đã ăn sâu trong tâm thức chàng trai quê Hải Dương. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Thuấn nộp hồ sơ thi vào Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp, anh được bố trí về làm giáo viên ngữ văn tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thị trấn Kbang - cách trung tâm TP Pleiku hơn 120 km. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, anh Thuấn dần khẳng định năng lực chuyên môn. Năm 2008, anh được bổ nhiệm giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Krong (nay là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong).
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong nằm ở vùng lõi vườn quốc gia Kon Ka Kinh, cách trung tâm thị trấn Kbang gần 50 km, ngày trước chưa có đường giao thông như hiện tại. Để xuống được nơi công tác, anh Thuấn phải lái xe máy men theo đường mòn trong rừng. Lần đầu xuống đây, ập vào mắt anh là một điểm trường xập xệ với chỉ 2 phòng học cấp bốn, 1 nhà ở tập thể của giáo viên dựng bằng tre nứa, lá cây rừng.
Do giao thông khó khăn nên anh Thuấn thường phải ở lại trường 1 tuần mới về một lần. Mùa mưa đến, nước suối dâng cao, có khi cả tháng anh mới được về nhà. Điều kiện sinh hoạt tại trường cũng vô cùng thiếu thốn, khó khăn khi không có điện và nước sạch. Mỗi lần từ nhà xuống trường, anh phải mang theo cả bao tải lương thực và đồ dùng sinh hoạt. “Mới đầu thấy cũng nản, muốn bỏ về luôn. Nhưng nghĩ lại thấy mình là một đảng viên thì cần phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu ai cũng muốn làm việc ở gần nhà thì nơi xa xôi, hẻo lánh, gian khó này biết dành phần ai”, anh Thuấn trải lòng.
Nhưng những khó khăn về điều kiện làm việc, sinh hoạt chẳng thấm vào đâu so với công việc đi vận động đưa học sinh đến lớp mà anh Thuấn và các đồng nghiệp phải thực hiện đầy gian nan. Sinh sống ở vùng lõi vườn quốc gia Kon Ka Kinh chủ yếu là người dân tộc Ba na, trình độ dân trí thấp, ít người biết tiếng Kinh, chưa coi trọng sự học. Ngày đó, trong khu vực tuyển sinh của trường có 80 em nhưng gần một nửa không đi học mà ở nhà theo cha mẹ đi làm nương rẫy. Cộng đồng dân cư ở đây sinh sống thưa thớt, nhà này cách nhà kia cả quả đồi, cách trường học cả chục km, lại toàn đường rừng khó đi.
Hằng ngày, anh Thuấn và 5 giáo viên của trường nửa ngày dạy học, nửa ngày chia nhau đến từng hộ dân, lên tận nương rẫy để tuyên truyền, vận động đồng bào cho con đi học. Đường rừng khó đi, nhiều lúc xe máy không đi được, anh Thuấn và đồng nghiệp phải vất vả cuốc bộ nhiều tiếng mới vào tới nhà dân. Tuy nhiên, không phải lúc nào vào tới nhà cũng gặp được dân vì họ ở trên rẫy có khi 2-3 ngày mới về một lần.
Thầy Dương Văn Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong bộc bạch: “Không kể hết được những gian truân mà thầy Thuấn và chúng tôi đã trải qua trong quá trình đi vận động học trò đến lớp. Anh em trong đoàn có người thì bị trật khớp chân, heo rừng tấn công, người kia thì bị sốt rét, ốm mệt cả tuần… Ấy vậy mà khi gặp được người dân tuyên truyền thì nhiều người vẫn nhất quyết không cho con đi học”.
Anh Thuấn rất nhiều lần không về nhà dịp cuối tuần mà dành thời gian đi vận động đồng bào cho con đi học. Anh ở lại làm việc, ăn, ngủ cùng họ để tạo sự gần gũi. Anh Thuấn kể: “Không ít nhà họ xua đuổi, chửi mắng nhưng tôi vẫn kiên trì bám trụ. Lâu dần, họ hiểu được tầm quan trọng của việc cho con đi học nên đồng ý. Nhưng không phải một vài ngày là xong, có nhà vận động cả năm trời mới thành công. Kiên trì năm này qua năm khác, tỷ lệ học sinh con em đồng bào Ba na đến trường mỗi ngày một đông lên”.
Năm 2015, Nhà nước đầu tư mở đường và kéo điện lưới về xã Krong. Đồng thời, Trường Tiểu học Krong cũng được đổi thành tên như hiện tại, được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang. Trên diện tích 15.600 m2, trường được đầu tư xây mới nhà hiệu bộ, 1 dãy phòng học 2 tầng, 4 phòng học bộ môn, nhà đa năng, nhà ăn, thư viện ngoài trời, phòng ở của cán bộ, giáo viên, học sinh, phòng xem tivi, bể bơi, sân bóng đá nhân tạo… Đây được coi là bước ngoặt quan trọng để thu hút học sinh, mở ra thời kỳ phát triển mới cho ngôi trường ở vùng đặc biệt khó khăn này. Cùng năm, anh Thuấn được bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng.
Cơ sở vật chất đã được đầu tư đồng bộ, tâm lý của cán bộ, giáo viên nhà trường tốt lên. Tuy nhiên, anh Thuấn luôn trăn trở về chất lượng giáo dục. Học lực của học sinh không đồng đều do nhiều em đi học muộn, chưa đọc thông, viết thạo tiếng Kinh, chưa theo kịp chương trình, kỹ năng sống còn hạn chế.
Với vai trò là người đứng đầu đơn vị, anh Thuấn đã thực hiện một cuộc cải tổ mạnh mẽ các hoạt động của trường. Anh kêu gọi mỗi thầy, cô giáo trong trường hãy “coi học sinh như con đẻ của mình”. Anh Thuấn và cán bộ, giáo viên trong trường tranh thủ tối đa thời gian để dạy phụ đạo, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Chú trọng dạy học trò cách tự chăm sóc bản thân, tham gia lao động, nâng cao sức khoẻ, hiểu biết kiến thức xã hội, khả năng tư duy, tinh thần đoàn kết, vượt khó vươn lên thông qua nhiều hoạt động. Anh yêu cầu các tổ chuyên môn thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề nhằm huy động trí tuệ tập thể, tìm ra phương pháp giáo dục mới, hiệu quả. Các hoạt động kết nghĩa, giao lưu được trường mở rộng giúp cán bộ, giáo viên tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hay trong quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh đồng bào dân tộc thiểu số…
Chị Nguyễn Thị Hương, giáo viên công tác tại trường đã tròn 10 năm. Chị nhận xét hiệu trưởng của mình là một người đặc biệt tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Anh Thuấn luôn đề cao tập thể, vận động nhân viên lấy tinh thần đoàn kết làm nền tảng vượt khó vươn lên. “Anh ấy luôn chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hiểu được năng lực của giáo viên để sắp xếp công việc theo hướng tạo thuận lợi nhất cho từng người nhưng luôn phát huy hiệu quả. Ai có khó khăn gì anh ấy cũng chung tay giúp đỡ. Trước đây khi trường còn khó khăn, mấy lần tôi định bỏ nghề. Nhưng anh Thuấn luôn động viên, truyền nhiệt huyết giúp tôi có động lực gắn bó với nghề”, chị Hương chia sẻ.
Quả ngọt
Sự tâm huyết, trách nhiệm của anh Thuấn đã được đền đáp xứng đáng khi trường có những bước tiến vượt bậc và thay đổi toàn diện. Nhiều năm học gần đây, trường luôn huy động được 100% học sinh trong độ tuổi đến lớp. Từ một cơ sở giáo dục có chất lượng thấp, năm học 2017-2018, trường lần đầu tiên có 2 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện. Thành tích này được duy trì suốt từ đó đến nay. 7 năm học gần nhất, tỷ lệ học sinh khá, giỏi luôn từ 30-35%, hơn 50% số học sinh lớp 9 được tuyển vào các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh. Thành tích này chưa là gì nếu đem so sánh với các trường ở khu vực thành thị hay các vùng nông thôn văn minh, hiện đại. Song, ở một nơi học sinh toàn là người dân tộc thiểu số thì đây là thành tích đáng được trân trọng.
Ông Trần Trung Trực, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang thông tin, trong 10 năm trở lại đây, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong là một tập thể đạt nhiều thành tích nổi bật trong hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú của tỉnh Gia Lai. Năm học 2020-2021, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 2. Tập thể và một số cá nhân nhà trường nhiều lần được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh... Năm học 2023-2024, trường vinh dự được đón đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tới kiểm tra, động viên. Cá nhân thầy giáo Nguyễn Văn Thuấn đã được cấp có thẩm quyền đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. “Sự thay đổi của ngôi trường này có dấu ấn tiên phong, gương mẫu rõ nét của thầy Thuấn. Năng lực chuyên môn, quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của anh ấy được nhiều người học tập”, ông Trực nói.
Từng xua đuổi anh Thuấn đến vận động cho con em mình đi học, đồng bào dân tộc Ba na ở vùng lõi vườn quốc gia Kon Ka Kinh giờ đây luôn tỏ lòng biết ơn với thầy giáo quê Hải Dương. Không ít con em của họ giờ đã có tương lai tốt đẹp hơn.
Ông Đinh Ớt là bố của em Đinh Văn Tiếc vừa trúng tuyển vào Trường Văn hoá quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (Thái Nguyên) hồ hởi: “Con tôi biết cái chữ, có kiến thức, giờ lại được đi học để sau này có cơ hội được làm cán bộ trong cơ quan nhà nước, tương lai tốt đẹp. Tôi rất tự hào về con trai mình và không quên ơn giúp đỡ của thầy Thuấn”.
TIẾN MẠNH