Người Hải Dương xa quê

Giải phóng Điện Biên - để nghĩa tình nặng sâu ở lại: Bài cuối: Những người Hải Dương ở lại xây dựng đất này

TIẾN HUY 06/05/2024 12:05

Người lính nào cũng mong cuộc chiến sớm kết thúc để được trở về, song sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều người lính đã "cởi bỏ chiến bào", ở lại xây dựng mảnh đất Điện Biên còn chằng chịt vết thương chiến tranh và gắn bó với mảnh đất đầy nắng gió này cho đến những năm tháng cuối đời.

00:00

dscf2498(1).jpg
Cụ Phiên, nguyên quán ở xã Ứng Hòe, Ninh Giang (Hải Dương), hiện ở tổ dân phố 9, phường Thanh Trường đã gắn bó với mảnh đất Điện Biên ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc năm 1954

Đồng loạt làm "lễ hạ sao"

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, có hàng nghìn bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong ở các địa phương, trong đó có những người Hải Dương ở lại với mảnh đất Điện Biên. Khi ấy, Điện Biên còn là một bãi chiến trường ngổn ngang, họ đồng loạt làm "lễ hạ sao" để trở thành công nhân, nông dân, chủ yếu là việc ở Nông trường Điện Biên. Đây là một nghi thức của thời đó. Dù sau này, có những người tái ngũ, nhưng cuối cùng vẫn trở lại với Điện Biên sinh sống cho đến tận bây giờ.

- Bố tôi 94 tuổi thì có đến 74 năm vất vả. Khoảng 20 năm trở lại đây, khi con cái có chút điều kiện thì ông đã già yếu rồi. Chúng tôi luôn ghi nhớ điều đó để tập trung phát triển kinh tế, giáo dục con cháu cho xứng đáng với truyền thống của cha ông - ông Đỗ Xuân Yên, là con trai cả nói về người cha của mình, cụ Đỗ Văn Phiên, sinh ngày 10/1/1930. Cụ Phiên nguyên quán ở xã Ứng Hòe, Ninh Giang (Hải Dương), hiện ở tổ dân phố 9, phường Thanh Trường (TP Điện Biên Phủ).

Nhập ngũ tháng 3/1952, xuất ngũ tháng 12/1958, khi còn chiến đấu, cụ Phiên được biên chế vào H3, E 176,F 316, thuộc lực lượng pháo binh. Hiện giờ cụ Phiên đã yếu, nói chuyện khó khăn nên mọi thông tin đều thông qua người con trai cả. Ông Yên kể, sau 1 năm "hạ sao", cụ Phiên được tổ chức cho phép về quê cưới vợ rồi quay lại để Điện Biên có thêm nhân lực lao động. Về quê, cụ Phiên được người bác đưa đi hỏi rồi cưới một cô gái cùng làng là cụ Nguyễn Thị Chuyện, sinh năm 1934. Cụ Chuyện cũng trở thành công nhân nông trường C8 cùng chồng, rồi lần lượt sinh được 7 người con. Có người làm cán bộ nhà nước, có người kinh doanh tự do, song tất cả đều có kinh tế ổn định, con cháu học hành đỗ đạt.

dscf2661(1).jpg
Cụ Nguyễn Đức Đặng, nguyên quán xã Văn Hội (Ninh Giang), hiện ở tổ dân phố 8, phường Thanh Trường bên người con trai cả. Cụ Đặng là Chiến sĩ Điện Biên, sau này tái ngũ nhưng đã quay lại xây dựng Điện Biên

Cũng ở lại Điện Biên từ sau chiến dịch, song cụ Nguyễn Đức Đặng, sinh năm 1930, nguyên quán xã Văn Hội (Ninh Giang), hiện ở Tổ dân phố 8, phường Thanh Trường (TP Điện Biên Phủ) còn rất tráng kiện và minh mẫn. Chính đơn vị của cụ Đặng tham gia vận chuyển bộc phá để công đồi A1 của 70 năm về trước. Trong căn nhà khang trang của người con trai cả, cụ Đặng kể lại, khi đó mỗi thỏi bộc phá trông như bánh xà phòng lần lượt được chuyển vào đường hầm...

Sau chiến thắng, hầu như tất cả đều tình nguyện ở lại để xây dựng Điện Biên. Đến tháng 12/1973, cụ Đặng tái ngũ, về quê một thời gian rồi trở lại cùng vợ làm việc trong Nông trường Điện Biên cho đến ngày nông trường giải thể. "Ở Điện Biên có Hội đồng hương Hải Dương đông lắm, cả nghìn người. Nhiều người Hải Dương ở lại sau chiến dịch từng là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Tất cả đều coi Điện Biên là quê hương. Đến nay, các con, các cháu cũng đều gắn bó với mảnh đất này. Khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Hải Dương, chúng tôi đã vận động bà con đóng góp được 30 triệu đồng gửi về quê hỗ trợ chống dịch", cụ Đặng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Dùng, Bí thư Chi bộ; ông Vũ Như Đãi, Tổ trưởng Tổ dân phố 9, phường Thanh Trường cho biết, đa phần người Hải Dương ở lại sau chiến dịch trở thành nòng cốt trong lao động, sản xuất của nông trường trước kia và là điển hình phát triển kinh tế sau này. Họ đã mang những kiến thức mới của miền xuôi lên áp dụng, xây dựng kinh tế gia đình cũng như cho Điện Biên hôm nay.

Cầu nối giữa Hải Dương và Điện Biên

dscf2331(1).jpg
Tỉnh Điện Biên hồi sinh sau chiến tranh, có sự đóng góp, hy sinh rất lớn của bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, trong đó có những người Hải Dương

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, có rất đông người Hải Dương là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ở lại với mục tiêu xây dựng lại và phát triển kinh tế cho mảnh đất Điện Biên. Song thời gian đã quá dài, hiện Hải Dương chỉ còn 15 người, tất cả đã tuổi cao, hầu hết đều già yếu. Trong số này có 11 cựu chiến binh sinh sống tại TP Điện Biên Phủ, những người còn lại ở huyện Mường Chà, Mường Ảng và huyện Điện Biên. Các cựu chiến binh trên quê ở các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Kim Thành và TP Hải Dương. Hai trong tổng số 15 cựu chiến binh là thương binh. Có 1 cựu chiến binh nữ là bà Phạm Thị Mỳ (sinh năm 1936), quê xã Lê Lợi (Gia Lộc), hiện ở thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng). Người cao tuổi nhất là ông Nguyễn Văn Tuyên (sinh năm 1926), quê xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ), hiện sinh sống tại phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ).

Chiến dịch Điện Biên kết thúc, Nông trường Điện Biên đi vào sản xuất với chủ trương tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm cho Điện Biên là chính. Nông trường chia làm 10 C, giống như phiên hiệu của quân đội để thuận lợi chỉ đạo, quản lý. Ông Đỗ Xuân Yên, con trai cụ Đỗ Văn Phiên kể khi đó còn nhỏ nhưng vẫn nhớ đời sống của công nhân và con công nhân nông trường cực kỳ thiếu thốn, đói khát. Làm tập thể, ăn tập thể, có người sau sinh 1 tháng đã đi làm.

"Nhưng trong các buổi họp, tôi còn nhớ các bác, các chú luôn động viên nhau, chiến dịch còn đánh thắng thì phải làm giàu được cho nông trường. Dân Điện Biên rất trông chờ vào ta. Sau đó tất cả đồng thanh hô quyết tâm, rất khí thế", ông Yên nói.

dscf3084(1).jpg
Một góc TP Điện Biên Phủ hôm nay, nhìn từ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến khoảng năm 1965, khi chiến tranh leo thang ra miền Bắc, Điện Biên lại hứng chịu bom đạn của đế quốc Mỹ. Tuy vậy, dựa vào địa hình rừng núi, Nông trường Điện Biên vẫn duy trì sản xuất, ngoài số ít diện tích cấy được lúa, công nhân trồng thêm ngô, sắn, cây công nghiệp có cà phê, cao su. Dù Nông trường Điện Biên đã giải thể từ lâu, song đã trở thành dấu tích về một thời vượt qua khốn khó, hăng say lao động xây dựng lại Điện Biên của hàng nghìn bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong các địa phương, trong đó có những người Hải Dương. Sự hy sinh của người Hải Dương trong chiến dịch và sự đóng góp của những người còn sống sau chiến dịch cho mảnh đất Điện Biên luôn được người dân Điện Biên ghi nhận. Những hy sinh, đóng góp ấy được tính bằng cả đời người, đã giúp Điện Biên hôm nay thực sự hồi sinh từ những chiến trường tan nát.

Như đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đã khái quát khi tiếp đoàn lãnh đạo tỉnh Hải Dương lên thăm Điện Biên, tháng 4/2024: Hải Dương đã có những đóng góp, hy sinh to lớn, cả sức người, sức của cho chiến dịch. Chiến dịch toàn thắng, họ đã ở lại xây dựng Điện Biên, khi đó còn chằng chịt vết thương chiến tranh. Họ và con cháu họ đã coi Điện Biên là quê hương thứ hai. Chính điều này đã giúp Điện Biên phát triển và họ trở thành cầu nối, làm sâu sắc thêm sự đoàn kết, gắn bó giữa Hải Dương và Điện Biên.

TIẾN HUY
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải phóng Điện Biên - để nghĩa tình nặng sâu ở lại: Bài cuối: Những người Hải Dương ở lại xây dựng đất này