Năm 2017 đánh dấu những chuyển động tích cực trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mỗi vụ gia đình chị Vũ Thị Nhung ở thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) đã thu lãi 20 triệu đồng/sào cà chua cherry, cao gấp 3 lần so với giống cà chua thông thường. Ảnh: PV
Đây là tín hiệu tích cực, mở ra bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản.
Gia đình chị Vũ Thị Nhung ở thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng là hộ đầu tiên của huyện Gia Lộc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Trước kia, cũng như nhiều hộ khác, gia đình chị Nhung chỉ trông vào 4 sào rau màu. Lối canh tác truyền thống cùng với những bất lợi của thời tiết khiến cho sản xuất nông nghiệp vốn đã bấp bênh lại càng thêm khó khăn. Sản phẩm làm ra bị thương lái ép giá, vợ chồng chị phải lăn lộn ở khắp các tỉnh, thành phố lớn để tìm mối tiêu thụ.
Có cơ hội đi nhiều nơi, được tiếp cận nhiều mô hình nông nghiệp mới, vợ chồng chị ấp ủ dự định xây dựng quy trình sản xuất khép kín, hạn chế tác động của thời tiết. Đầu năm 2017, vợ chồng chị Nhung dồn hết vốn liếng để đầu tư xây dựng 1.000m2 nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới tự động.
Điều kiện sản xuất thuận lợi nên thay vì trồng các loại cây quen thuộc của địa phương, chị Nhung chuyển sang trồng những cây đòi hỏi kỹ thuật cao, cho giá trị kinh tế lớn như dưa lưới, cà chua cherry. Hiện tại, vợ chồng chị chỉ chuyên tâm sản xuất mà không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm như trước vì có nhiều doanh nghiệp, đơn vị liên kết thu mua. Vì thế, lợi nhuận thu được cao gấp từ 2-3 lần so với trước kia. "Khi bắt tay thực hiện, có người cho rằng chúng tôi mạo hiểm. Làm nông nghiệp nhiều rủi ro, nếu đầu tư lớn thì khả năng thua lỗ rất cao. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm làm đến cùng. Sản xuất trong môi trường mới, làm ra những sản phẩm chất lượng tốt nên đầu ra thuận lợi. Nếu không mạnh dạn thay đổi thì chúng tôi khó lòng có được kết quả như bây giờ", chị Nhung cho biết.
Sản xuất trong môi trường mới, làm ra những sản phẩm chất lượng nên đầu ra thuận lợi. Nếu không mạnh dạn thay đổi thì chúng tôi khó lòng có được kết quả như bây giờ.
Sau nhiều năm trăn trở, gia đình ông Lê Văn Vũ ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) quyết định đầu tư 500 triệu đồng xây dựng 7.000 m2 nhà lưới để sản xuất rau sạch. Gắn bó với nông nghiệp hơn nửa đời người, ông Vũ hiểu rõ những vất vả của công việc này. Chi phí đầu tư lớn, sản xuất phụ thuộc vào thời tiết, thị trường tiêu thụ bỏ ngỏ nên nông dân chỉ biết trông chờ vào may rủi. Nhưng chính những khó khăn này đã thôi thúc ông Vũ tìm hướng đi mới để có thể chủ động hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thừa nhận bản thân liều lĩnh khi bỏ ra số tiền lớn mà không biết đến khi nào mới có thể thu hồi vốn, nhưng ông Vũ đã có thể thở phào khi mô hình canh tác rau sạch trong nhà lưới của ông được nhiều đơn vị, doanh nghiệp biết tới và ngỏ ý muốn liên kết. "Do mới triển khai được hơn 1 năm nên tôi chưa thể đánh giá được hiệu quả của mô hình. Song với những tín hiệu tích cực từ thị trường, tôi càng có thêm hy vọng về nông nghiệp công nghệ cao", ông Vũ phấn khởi.
Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 150.000 m2 nhà màng, nhà lưới, tăng hơn 120.000 m2 so với thời điểm đầu năm. Để sản xuất hiệu quả trong nhà màng, nhà lưới, người dân còn đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động và lắp đặt thiết bị điều chỉnh nhiệt độ. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã đánh dấu thời kỳ phát triển mới của ngành nông nghiệp trong điều kiện sản xuất có nhiều thay đổi.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu khi sản xuất nông nghiệp truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Nhưng để nông nghiệp công nghệ cao không rơi vào tình trạng "sớm nở, tối tàn", phát triển theo phong trào, mang lại hiệu quả thiết thực thì phải có định hướng đúng đắn. Ông Đỗ Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc cho biết: "Do chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tốn kém nên cơ quan chuyên môn cần đồng hành cùng người dân để lựa chọn mô hình phù hợp, khai thác tối đa hạ tầng sản xuất, tránh lãng phí không cần thiết".
Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí nhằm tạo động lực để người dân tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thực tế sản xuất hiện nay cho thấy tốc độ phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đã vượt xa so với tính toán ban đầu. Do diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện tại gấp hơn 20 lần so với đề xuất nên sở phải đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ bổ sung 2 lần trong năm 2017.
Những kết quả trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của năm 2017 là minh chứng rõ nét cho xu hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp. Nhưng nông nghiệp công nghệ cao phải được dẫn dắt bởi nhu cầu thị trường thì mới có thể phát triển ổn định, lâu dài.
DŨNG CƯỜNG