Gần đây, nông dân TP Chí Linh đã được tiếp cận với tiến bộ khoa học, ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp khi tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học.
Tiếp nhận nhiều đề tài
Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) báo cáo thực hiện đề tài "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phòng chống tổng hợp sâu bệnh hại chính trên cây na theo hướng an toàn" (ảnh cơ sở cung cấp)
Na là một trong những cây ăn quả chủ lực của TP Chí Linh với khoảng 800 ha được trồng nhiều ở các phường Hoàng Tiến, Bến Tắm. Trước đây, việc trồng và chăm sóc cây na chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống. Hầu hết các hộ chưa tuân thủ nguyên tắc khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, số lần sử dụng thuốc vẫn cao, không sử dụng thuốc sinh học, thuốc có nguồn gốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh…
Năm 2021, khi Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) thực hiện đề tài "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phòng chống tổng hợp sâu bệnh hại chính trên cây na theo hướng an toàn", UBND TP Chí Linh đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và các địa phương có liên quan cùng phối hợp. Đề tài được triển khai tại 1 ha trồng na thuộc khu dân cư Tân Tiến, phường Hoàng Tiến. Tham gia đề tài, các hộ phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh như cắt tỉa cành vô hiệu, bao quả na sau 30 ngày thụ phấn, sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học… Qua 2 năm (2021-2022) triển khai, việc chăm sóc na áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh chính đã giảm được 6 lần phun thuốc (giảm khoảng 50%), giảm chi phí đầu tư hơn 19 triệu đồng/ha và tăng thu nhập hơn 34 triệu đồng/ha.
Cây kim ngân hoa là loại dược liệu quý được trồng nhiều ở xã Hoàng Hoa Thám. Dù cây dược liệu này rất quý và mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng để cây trồng đạt tiêu chuẩn của các công ty dược phẩm thì người dân cần phải thay đổi tư duy chăm sóc. Năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu trồng và Chế biến cây thuốc Hà Nội đã xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu kim ngân hoa theo hướng GACP-WHO tại xã Hoàng Hoa Thám. Mô hình có 9 hộ dân tham gia trên diện tích 1 ha. Các hộ tham gia mô hình cũng phải tuân thủ nghiêm việc trồng, chăm sóc cây kim ngân hoa theo tiêu chuẩn GACP-WHO từ khâu làm đất, chế độ chăm sóc, sử dụng phân bón, tưới nước cho đến thu hái, sơ chế, bảo quản dược liệu. Việc trồng, chăm sóc cây dược liệu kim ngân hoa theo hướng GACP-WHO sẽ giúp kiểm soát được chất lượng, góp phần bảo tồn giống và đặc biệt nâng giá trị cây dược liệu…
Ngoài 2 đề tài trên, TP Chí Linh đã và đang thực hiện 3 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: xây dựng mô hình sản xuất giống táo mới V01, V04 và xây dựng mô hình sản xuất thử giống lạc mới L29 có năng suất cao, kháng bệnh cùng do Viện Lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) thực hiện; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mô hình thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả hàng hóa tại TP Chí Linh do Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện…
Thay đổi thói quen canh tác
Được trồng theo hướng GACP-WHO, cây kim ngân hoa cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn (Ảnh do cơ sở cung cấp)
Mặc dù chỉ là những mô hình trình diễn, nhưng trong thời gian thực hiện các đề tài, các hộ dân tham gia phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của đơn vị thực hiện đề tài. Đây được xem như một hình thức “cầm tay chỉ việc” cho người nông dân. Bởi các hộ tham gia các đề tài đều nhận được sự hướng dẫn cụ thể từ chuyên gia về các mốc sinh trưởng, việc chăm sóc cây trồng, sử dụng chế phẩm sinh học, phòng trừ sâu bệnh… Điều này không chỉ giúp thay đổi thói quen canh tác mà còn giúp nông dân thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với các tiêu chí sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với hình thức sản xuất hiệu quả.
Chị Vũ Thị Hương ở khu dân cư Tân Tiến, phường Hoàng Tiến là hộ dân tham gia đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cây na. Nhờ sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật theo chỉ dẫn, cây na của gia đình chị giảm sâu bệnh, quả to hơn, chi phí đầu tư cũng thấp hơn nên giúp tăng hiệu quả kinh tế so với trước.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoàng Hoa Thám từng tham gia đề tài trồng cây dược liệu kim ngân hoa theo hướng GACP-WHO. Trước đây, Hội Phụ nữ xã cũng nhận thấy giá trị kinh tế từ cây kim ngân hoa mang lại nên vận động hội viên trồng cây dược liệu quý này. Tuy nhiên, việc trồng, chăm sóc và tìm đầu ra cho sản phẩm còn nhiều khó khăn do chất lượng sản phẩm chưa được đánh giá cao. “Tham gia đề tài giúp chúng tôi thay đổi thói quen chăm sóc cũ. Mọi khâu từ làm đất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng GACP - WHO. Dù yêu cầu cao hơn trong sản xuất nhưng bù lại giá trị sản phẩm nâng cao hơn nên cung ứng cho doanh nghiệp sản xuất dược liệu thuận lợi, mọi người đều phấn khởi và nghiêm túc chấp hành”, chị Hòe cho biết.
Có thể nói, việc tranh thủ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố là một cách đi tắt đón đầu của Chí Linh từng bước xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao.
THANH HOA