Chính trị

Chuyện của người phụ nữ Hải Dương tham gia biên tập gần 30 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

PV 22/07/2024 13:00

Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn bà Phạm Thị Thinh, quê ở thôn Đồng Nại (nay là thôn Lâm Đồng), xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Bà Thinh có may mắn tham gia biên tập gần 30 cuốn sách của Tổng Bí thư và sách viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

00:00

bhd_tongbithu_nguyenphutrong_3.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi về việc biên tập sách với bà Phạm Thị Thinh, tháng 4/2023

Người thầy

- Bà đã tham gia làm bao nhiêu cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Có yêu cầu đặc biệt gì của Tổng Bí thư khi làm sách không?

- Tôi may mắn và vinh dự được biên tập sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2004. Khi đó, tôi là một biên tập viên trẻ. Còn Tổng Bí thư khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Từ đó đến nay, tôi đã trực tiếp tham gia biên tập gần 30 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sách viết về bác. Mỗi cuốn sách đều có những đặc thù riêng, yêu cầu riêng, sứ mệnh riêng và đều để lại trong tôi những kỷ niệm khó phai với tác giả cuốn sách.

Qua mỗi cuốn sách, tôi thường rút ra những kinh nghiệm và cố gắng học hỏi, nhớ những lời căn dặn của Tổng Bí thư làm hành trang cho mình để những cuốn sách sau làm tốt hơn, trọn vẹn hơn.

Với tôi, được biên tập sách của Tổng Bí thư là niềm vinh dự và trách nhiệm, do đó, tôi đã cố gắng đặt trách nhiệm lên cao nhất đối với từng cuốn sách.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn dặn chúng tôi, sách là văn bia để đời, do vậy, mọi thông tin trong sách phải chuẩn xác và phải bảo đảm tính khoa học, tính chính trị; bố cục phải chặt chẽ, rút tít cần ngắn gọn nhưng lại phải chứa đựng được nội dung cần chuyển tải; khi biên tập cần cẩn trọng trong từng câu, từng chữ, luôn luôn chú trọng rèn luyện ngòi bút để “văn phong đĩnh đạc, trong sáng; lập luận chặt chẽ, rõ ràng; dẫn chứng sắc sảo, chính xác, có sức thuyết phục cao”… Vì thế, sau mỗi cuốn sách, tôi thường học được rất nhiều điều, như tôi học được nhiều kiến thức trong cuốn sách; tôi học được tư duy làm sách của Tổng Bí thư; tôi học được cách thức sửa bài, đặt tiêu đề bài của Tổng Bí thư, về sự chỉn chu trong công việc, về sự nhạy cảm chính trị trong việc làm sách và viết báo. Tôi cũng học được từ Tổng Bí thư về tư cách đạo đức, đối nhân xử thế, quan tâm đến mọi người, thương yêu cán bộ cấp dưới; về lối sống giản dị, chuẩn mực, suy nghĩ sâu sắc, cặn kẽ; về sự tự học của Tổng Bí thư khi đã giữ những cương vị cao nhất trong Đảng và Nhà nước.

z5655950481586_c36d91e3fa5c2904a914705f67cd03cf.jpg
Bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vinh dự được làm việc, học tập nhiều kinh nghiệm về làm sách từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Quan tâm sâu sát, tình cảm

- Là người trực tiếp tham gia làm nhiều bộ sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm, bà có thể chia sẻ những cảm nhận, kỷ niệm, những câu chuyện ấn tượng, sâu sắc nhất của bà về Tổng Bí thư?

- Trong quá trình biên tập sách của Tổng Bí thư, tôi may mắn được gặp bác nhiều lần và rất nhiều lần được nhận những lời căn dặn của Tổng Bí thư qua các đồng chí thư ký, trợ lý. Những lần gặp trực tiếp Tổng Bí thư hay những lần được nhận những lời căn dặn của bác trong việc làm sách đều là những lần chúng tôi luôn luôn ghi nhớ, khắc cốt ghi tâm, là hành trang đối với tôi để mỗi ngày thêm cố gắng và trưởng thành trong công việc. Có những lần Tổng Bí thư rút kinh nghiệm tôi về việc truyền thông sách đã khiến cho tôi phải thật cẩn trọng trong từng việc làm, phải có tư duy sâu rộng, suy nghĩ thấu đáo, trước sau. Mỗi lần được gặp Tổng Bí thư là mỗi lần tôi học hỏi được ở Tổng Bí thư rất nhiều điều. Và mỗi cuốn sách ra mắt bạn đọc là tôi lại học được thêm kinh nghiệm.

Tôi còn nhớ, sau thời gian gián đoạn 5 năm tôi thực hiện thiên chức của người phụ nữ, không tham gia biên tập bản thảo sách của bác. Tháng 2/2010, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, bác đến thăm và chúc Tết Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Thật bất ngờ, khi bác đi xuống phía dưới hội trường, bắt tay từng cán bộ, viên chức và người lao động, bác vẫn nhận ra tôi và ân cần hỏi thăm các con tôi, hỏi tôi đã mua được nhà chưa, đã chuyển được chồng tôi ra Hà Nội chưa? (chả là cuối năm 2004, tôi được phân công biên tập bản thảo sách của bác, khi đó, bác đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Lúc đó, tôi vừa lấy chồng, đang mang bầu con đầu lòng, vẫn còn đi thuê nhà ở và nuôi các em ăn học, chồng tôi đang công tác ở miền Nam, rất khó khăn về kinh tế). Tôi cảm động vô cùng trước những lời thăm hỏi đó của một vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, vẫn quan tâm đến một cô biên tập viên hết sức bình thường sau một thời gian không trực tiếp biên tập bản thảo sách của bác.

Một điều cũng rất đáng nhớ đối với tôi khi biên tập cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", đối với bài “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là bài phát biểu rất nổi tiếng của Tổng Bí thư chỉ đạo toàn diện những vấn đề về văn hóa Việt Nam, các báo, tạp chí đã đăng từ tháng 11/2021, nhưng có một câu: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Câu nói này đã quá quen thuộc với nhiều người, báo chí cũng nhắc nhiều và đều cho rằng câu nói đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng bấy lâu nay, chúng tôi tìm trong các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đều không có câu nói này. Có người nói, câu nói đó của Tổng Bí thư Trường Chinh nhưng đều không có nguồn dẫn. Nhưng khi in trong sách của Tổng Bí thư, mà lại là Tổng Bí thư nói thì chúng tôi phải tìm cho bằng được nguồn gốc câu nói đó. Tôi đã mất gần một tuần, tra lại hết các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh thì đều không có. Tôi đã đọc lại 10 tập Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử cũng không thấy có câu này. Nhưng qua bộ Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử, tôi được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh có đến dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946. Tôi đã tìm đọc lại báo Cứu quốc và đã tìm ra câu nói này. Nhưng câu nói nguyên văn của Bác Hồ là: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Tôi đã thêm chữ phải vào câu nói đó trong cuốn sách này. Chỉ với một chữ thêm vào đã làm thay đổi hẳn tính chất của câu nói đó. Khi trình bản thảo, Tổng Bí thư bất ngờ với việc sửa đó của tôi và đề nghị tôi giải thích vì sao lại thêm như vậy. Tôi đã báo cáo đầy đủ với Tổng Bí thư thông qua thư ký quá trình dày công tìm tòi của tôi, và xin được chú thích chân trang câu nói đó là: “Phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946. Xem báo Cứu quốc số 416, ngày 25/11/1946 (B.T)”. Bác đã đồng ý sửa và nói: “Làm xuất bản là phải kỹ càng và chuẩn chỉ như thế”. Và từ đó đến nay, trong tất cả các sách của nhà xuất bản chúng tôi đều đã sửa câu này.

Còn rất nhiều lời căn dặn của Tổng Bí thư đối với chúng tôi trong quá trình biên tập, xuất bản sách của bác. Mỗi lời căn dặn của bác, với tôi thật thấm thía để cố gắng làm tốt hơn công việc của mình.

z5655956623979_30dedd56db5e2adbb9be1d4656690d5d.jpg
Bà Phạm Thị Thinh giới thiệu với các đại biểu trong lễ ra mắt cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tầm cao trí tuệ

- Qua tham gia làm sách, biên tập sách, bà có thể chia sẻ đánh giá, nhận định của bà về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

- Qua các cuốn sách mà tôi đã tham gia biên tập và đọc kỹ toàn bộ hệ thống các bài viết của Tổng Bí thư trên tất cả các lĩnh vực, có thể khẳng định:

Một là, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhân cách trí tuệ mẫn tiệp, đầy bản lĩnh, tư duy khoa học biện chứng, vượt lên những suy nghĩ thông thường. Bác luôn luôn nói đi đôi với làm, lý luận uyên bác cộng với hoạt động thực tiễn phong phú, sống động, vì nước, vì dân.

Đọc toàn bộ hệ thống bài của Tổng Bí thư từ trước đến nay thì mới thấy Tổng Bí thư là một nhà lý luận xuất sắc. Những luận giải của bác trong các công trình nghiên cứu hay các bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn đều rất chặt chẽ, với ngôn từ dung dị, nhưng rất thuyết phục. Bác đã vận dụng lý luận vào thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; đồng thời đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn phong phú thành lý luận, thành chủ trương, đường lối, tư duy lý luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà chúng tôi đã thống kê có hơn 40 cuốn, là những tổng kết lý luận chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ bản lĩnh, quan điểm, lập trường nhất quán, kiên định của Tổng Bí thư và tư duy tầm chiến lược, nhưng lại rất cụ thể của một nhà lý luận, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và dân tộc ta.

Hai là, Tổng Bí thư là một lãnh đạo gần dân, hiểu dân, thương dân. Đọc nhiều bài viết, bài phát biểu thì thấy, ở ông có một tình thương yêu dân chan chứa, các chỉ đạo của Tổng Bí thư luôn hướng đến vì sự bình an của nhân dân, vì cuộc sống của nhân dân. Thế cho nên, trong các chuyến đi thăm, làm việc của Tổng Bí thư với cơ sở, bao giờ bác cũng dành thời gian đến thăm các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, gặp gỡ, lắng nghe nhân dân, thăm hỏi đồng bào các dân tộc; động viên các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, gặp gỡ, trò chuyện với các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng,...

Ba là, Tổng Bí thư là một người rất sâu sắc, bản lĩnh, trí tuệ nhưng cũng rất chan hòa, khiêm tốn, rất giản dị và gần gũi với mọi người. Lối sống thanh bạch, giản dị của bác khiến chúng ta nể phục và càng thêm kính trọng.

PV
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện của người phụ nữ Hải Dương tham gia biên tập gần 30 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng