Nhiều bài nói, bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều sử dụng tục ngữ, ca dao, làm cho những vấn đề chính trị khô khan trở nên đơn giản và dễ hiểu.
Một trái tim lớn vừa ngừng đập.
Người dân cả nước và bạn bè quốc tế bày tỏ lòng tiếc thương với người Tổng Bí thư kính mến, người trọn một đời vì nước, vì dân.
Mỗi người sẽ nhớ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo cách của riêng mình. Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài viết mới đây đánh giá, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Có người nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhắc đến “người đốt lò” vĩ đại với quyết tâm và hành động mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cũng có người nhớ đến Tổng Bí thư với nền ngoại giao “cây tre” của Việt Nam hay với vai trò của một nhà lý luận xuất sắc...
Còn tôi, với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi nhớ hình ảnh ông trong những lần phát biểu tại các hội nghị hay khi tiếp xúc cử tri, nói chuyện với nhân dân, với cán bộ nhiều địa phương trong các chuyến công tác. Ấn tượng không chỉ bởi phong cách gần gũi, giản dị, giọng nói trầm ấm, khúc triết mà còn bởi cách ông đưa tục ngữ, ca dao, những thành ngữ cả truyền thống và hiện đại để nói về các vấn đề chính trị tưởng như rất khô khan và trừu tượng như chống tham nhũng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, về công tác cán bộ…
Hầu như trong các bài phát biểu ông đều trích dẫn một vài ý thơ hoặc đoạn viết trong các tác phẩm văn học nổi tiếng, rất dễ nhớ, dễ hiểu.
Những phương châm hành động được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ngắn gọn bằng các thành ngữ “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, “tiền hô, hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”. Những biểu hiện của sự suy thoái, tiêu cực phải tránh được Tổng Bí thư chỉ ra như: “cua cậy càng, cá cậy vây”, “quyền anh, quyền tôi”… Tổng Bí thư yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!” hoặc “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/ Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”. Nói về văn hóa ứng xử trong xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải biết “kính trên, nhường dưới”, “kính già, yêu trẻ”, “đói cho sạch, rách cho thơm”…
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Vì vậy, một trong những giải pháp để chấn hưng và phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hoá của thời đại.
Và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu một tấm gương sáng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mà cha ông ta để lại bằng những việc rất cụ thể như đã vận dụng tục ngữ, thành ngữ, ca dao trong các bài nói, bài viết của mình. Đó cũng là minh chứng cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Có rất nhiều điều để nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà tôi, ở góc độ một người cầm bút hiểu rằng, mỗi chúng tôi có thể noi gương Tổng Bí thư chịu khó đọc và học, biết trân trọng và yêu mến văn học dân gian mà rộng hơn là các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời lan tỏa tình yêu ấy tới bạn đọc bằng những bài viết với ngôn ngữ thật giản dị, dễ hiểu như cách nói của cha ông xưa.
Xin tiễn biệt người về miền mây trắng!
HOÀI ANH