Nhiệm kỳ qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, từng bước đơn giản hóa theo hướng thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân.
Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính của tỉnh kiểm tra tại xã Tân Tiến (Gia Lộc)
Nhiệm kỳ qua, cải cách hành chính (CCHC) là công việc đột phá được tỉnh chọn để thực hiện Chỉ thị 05 đã có nhiều thay đổi rõ rệt, tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Quyết liệt chỉ đạo, điều hành
Sự ra đời của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với 19 sở, ngành, cơ quan đang thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tập trung, thay thế toàn bộ các bộ phận “một cửa” trước đây tại từng cơ quan, đơn vị là minh chứng thể hiện cho quyết tâm cao của tỉnh trong thực hiện CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Với lượng giao dịch giải quyết TTHC cao điểm lên tới 500-600 người/ngày, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã và đang góp phần hình thành nền nếp giải quyết TTHC hiện đại, minh bạch và thuận tiện.
Để thực hiện công việc đột phá, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, triển khai tới các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn và tập trung thực hiện đột phá trong CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC và cải cách tài chính công; tăng cường kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước. Trong các hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các kỳ họp HĐND, UBND tỉnh, nội dung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nút thắt gây hạn chế trong CCHC, làm giảm điểm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... luôn được thảo luận sôi nổi, sâu kỹ. Bằng tinh thần nhìn thẳng vào thực tế và kịp thời phân tích, mổ xẻ, chỉ rõ những hạn chế, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đã được người đứng đầu các cấp, các ngành chú trọng, quyết liệt thực hiện với nhiều giải pháp mới. Hằng năm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp để phân tích, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về TTHC. Từng sở, ngành, cơ quan có trách nhiệm đề ra những giải pháp cụ thể khi chỉ số PCI thuộc lĩnh vực của mình bị tụt giảm, qua đó tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư...
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã chú trọng lựa chọn, bố trí cán bộ, thường xuyên chấn chỉnh tác phong, nền nếp công vụ của cán bộ, công chức. Kỷ luật, đạo đức công vụ được siết chặt, góp phần tạo bước chuyển về nhận thức, tính năng động, tác phong, năng lực, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đa số cán bộ, công chức được đào tạo cơ bản chuẩn hóa về chuyên môn, thực hành thành thạo kỹ năng hành chính. TP Hải Dương là điển hình trong đổi mới mạnh mẽ về điều kiện, tác phong phục vụ nhân dân. Thành phố luôn lựa chọn những người có chuyên môn, nghiệp vụ tốt, tinh thần, thái độ nghiêm túc để thực hiện nhiệm vụ ở các bộ phận "một cửa". Cán bộ, nhân viên thường xuyên thực hành "4 xin, 4 luôn" (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép, luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe và luôn giúp đỡ). Đội ngũ thực thi công vụ có trình độ chuyên môn tốt đã góp phần tham mưu kịp thời cho lãnh đạo trong giải quyết hồ sơ, công việc đúng luật, đúng hẹn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tỉnh đã quyết liệt nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, từng bước đơn giản hóa theo hướng thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Tất cả TTHC của các ngành, lĩnh vực, giữa các cơ quan hành chính nhà nước và trong nội bộ từng cơ quan, nhất là TTHC liên quan tới người dân, doanh nghiệp đều phải cắt giảm, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành. Đặc biệt, TTHC đã được công khai, minh bạch bằng nhiều hình thức mới, thiết thực, phù hợp. Từ năm 2016-2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố bãi bỏ gần 1.700 TTHC không còn phù hợp.
Thuận tiện cho nhân dân
Tỉnh đang tập trung hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sao cho người dân, tổ chức có thể giao dịch giải quyết TTHC ở bất cứ đâu thông qua môi trường mạng. Trên Cổng dịch vụ công của tỉnh hiện cung cấp hơn 1.706 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 134 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Toàn tỉnh đã chuẩn hóa cơ sở dữ liệu TTHC của tỉnh trên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và tích hợp một số dịch vụ công với Cổng dịch vụ công quốc gia...
Thay đổi rõ rệt là sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ CCHC, đặc biệt là ở các bộ phận “một cửa” của các đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Công nghệ thông tin được ứng dụng đồng bộ trong hoạt động chỉ đạo, điều hành. Mạng internet được kết nối tới tất cả các đơn vị cấp tỉnh, huyện và cơ bản đến cấp xã. Hệ thống "một cửa điện tử" và Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã được triển khai thống nhất ở 18 sở, ban, ngành, 12đơn vị cấp huyện và toàn bộ 235 xã, phường, thị trấn.
Đến đầu năm 2020, nhiều mục tiêu CCHC của giai đoạn từ năm 2016-2020 đã đạt như xử lý trên môi trường mạng từ 80% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã; rút ngắn từ 30 - 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy...
Đặc biệt, tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp đúng hạn và trước hạn ở các cấp hằng năm đều tăng, đã đạt từ 99,66 - 99,93%. Trong đó, người dân đã quen với việc nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích và đang từng bước tiếp cận các giao dịch trực tuyến.
Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công trong thời gian tới, tỉnh đang tiếp tục đề ra nhiều giải pháp nhằm triển khai hiệu quả cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông" theo hướng hiện đại; rà soát, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các TTHC nhằm cải thiện môi trường đầu tư, trọng tâm là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
THU MINH