Chương trình truyền hình cho thiếu nhi: nếu quyết tâm làm vẫn hay

31/05/2021 17:50

Thành công của những câu chuyện cổ tích trên sóng truyền hình và YouTube là một dấu chỉ để những ai tâm huyết với các chương trình cho thiếu nhi đầu tư nghiêm túc hơn, với nhiều hy vọng hơn.


Cậu bé Duet (giữa) khuyết 2 tay và 1 chân đá banh siêu phàm trong Siêu tài năng nhí 

Lúc 21giờ ngày 30.5, trên HTV9 chương trình Vườn âm nhạc đặc biệt mừng Ngày quốc tế thiếu nhi phát sóng vở kịch Gia đình yêu thương. Nhân vật chính là bạn Thỏ Lucia luôn được cha mẹ yêu thương chăm sóc. 

Chỉ vì bị mẹ mắng không chịu làm việc nhà, Lucia đã bỏ nhà ra đi. Lucia đâu biết rằng thế giới bên ngoài đầy cạm bẫy chứ đâu tràn ngập tình yêu như trong gia đình... Đan xen chương trình là các ca khúc rộn rã do các nghệ sĩ nhí trình diễn.

Từ ngày 1.6, ứng dụng xem truyền hình trực tuyến VTVgo phát 50 bộ phim hoạt hình phục vụ các em thiếu nhi trong dịp hè. 

Đây là chương trình do trung tâm VTV Digital Đài truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Hãng Phim hoạt hình Việt Nam thực hiện. 50 bộ phim đầy đủ các thể loại như 2D, 3D, cắt giấy vi tính, dài từ 10 phút đến 30 phút... khá phong phú về đề tài, từ giả tưởng, viễn tưởng, cổ tích, lịch sử...

Ngoài ra ngày 1.6 trên kênh HTVC gia đình phát sóng vở kịch thiếu nhi Bảy nàng tiên lúc 10h, HBO phát sóng bộ phim Ban nhạc sóc chuột lúc 17 giờ...

Nếu so sánh với năm ngoái, chương trình thiếu nhi dài hơi hiện cũng ít hơn nhưng cũng có vài chương trình hút khán giả. THVL1 đang phát Cổ tích Việt Nam lúc 20 giờ chủ nhật hằng tuần, hoạt hình cổ tích 3D vào 20 giờ 50 từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần. VTV9 phát Siêu mẫu nhí, Điều con muốn nói. 

HTV7 có Siêu tài năng nhí, HTV9 có Siêu nhí đấu trí... Trong đó, loạt phim Cổ tích Việt Nam trên THVL1 thường xuyên nằm trong top những chương trình có lượng khán giả xem cao, hay mỗi tập của Siêu tài năng nhí mùa 2 khi đưa lên YouTube đạt con số triệu view và nhiều bình luận. 

Điểm mới của Siêu tài năng nhí mùa 2 là bên cạnh những tiết mục nghệ thuật do các thí sinh nhí thực hiện, còn có sự góp mặt của những "tài năng" lạ từ cuộc sống đời thường. Đó là hình ảnh cậu bé Duet 12 tuổi, dân tộc Gia Rai, khuyết 2 tay và 1 chân đá banh siêu phàm hay cô bé Quỳnh Thư có khả năng tính nhẩm siêu tốc...

Một chương trình khác là hoạt hình cổ tích Việt Nam 3D với những câu chuyện cổ tích quen thuộc Thạch Sanh, Tấm Cám, Mai An Tiêm... dù thời lượng phát sóng chỉ 5 phút/tập nhưng đang tạo sự quan tâm của khán giả. Lượng người xem trên YouTube đạt vài trăm ngàn lượt xem. 

Phấn khởi trước lượng lượt xem, ông Vũ Phong - giám đốc Vietfilm media, đơn vị sản xuất chương trình - cảm thấy vui mừng: "Điều này xóa tan những e ngại ban đầu như hoạt hình giờ ai xem khi xung quanh các em có nhiều sự lựa chọn khác để giải trí. Từ sự tự tin này, êkip sản xuất đang từng bước hoàn chỉnh chất lượng để phục vụ tốt hơn cho các em".

Lý giải về sự quan tâm của khán giả với hoạt hình cổ tích Việt Nam 3D, ông Phong cho rằng phim được chú ý bởi có khung giờ hợp lý, phát sóng cố định, và có nhiều phim để đón xem tạo thành thói quen với khán giả nhí: 

"Khó khăn nhất mà ê kíp sản xuất luôn vất vả là khâu kịch bản phải viết sao cho có những tình tiết vui vẻ, mới mẻ và hợp thời để cài cắm chi tiết một cách hợp lý vào cốt truyện... Đừng cho rằng cổ tích Việt Nam là cũ kỹ, những câu chuyện vẫn rất hay, vẫn cuốn hút khán giả nếu chúng ta quyết tâm làm".

Thành công của những câu chuyện cổ tích trên sóng truyền hình và YouTube là một dấu chỉ để những ai tâm huyết với các chương trình cho thiếu nhi đầu tư nghiêm túc hơn, với nhiều hy vọng hơn.

Mừng Ngày quốc tế thiếu nhi 1.6 năm nay, màn ảnh nhỏ có vẻ vắng lặng hơn mọi năm vì dịch COVID-19.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình truyền hình cho thiếu nhi: nếu quyết tâm làm vẫn hay