Sau 1 năm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gói hỗ trợ 2% lãi suất giải ngân rất chậm so với yêu cầu đề ra, mới đạt 0,2% tổng nguồn lực, khả năng không giải ngân hết trong năm 2023.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng 21.2, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, sau 1 năm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gói hỗ trợ 2% lãi suất giải ngân rất chậm so với yêu cầu đề ra, mới đạt 0,2% tổng nguồn lực, khả năng không giải ngân hết trong năm 2023.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân các chính sách hỗ trợ đến tháng 1/2023 ước đạt 80.800 tỷ đồng; trong đó, cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.036 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 878 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.744 tỷ đồng. Hỗ trợ 2% lãi suất đạt hơn 134 tỷ đồng. Giảm thuế, phí, lệ phí 52.623 tỷ đồng. Hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng.
Về chi đầu tư phát triển, trong tổng số vốn 176.000 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã giao 147.138 tỷ đồng (94 nhiệm vụ, dự án). 129 dự án với số vốn 14.710 tỷ đồng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Đối với số vốn 14.151 tỷ đồng còn lại, các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ là 9.605 tỷ đồng. Các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư là 1.214 tỷ đồng và dự án chưa được thông báo vốn là 3.332 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc thực hiện chương trình vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc; trong đó, triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm so với yêu cầu đề ra, mới đạt 0,2% tổng nguồn lực, khả năng không giải ngân hết trong năm 2023.
Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 sau khi sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư 2.856 tỷ đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa đề xuất cụ thể phương án xử lý. Ngoài ra, còn 14.151 tỷ đồng kế hoạch vốn của chương trình chưa được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp không giao kế hoạch trước ngày 31/3 sẽ không được tiếp tục thực hiện.
Trước tình hình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi quy định tại Nghị định số 31 theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, điều kiện cho vay, tạo điều kiện đẩy mạnh triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí vay,
Ngân hàng Nhà nước cũng cần dự kiến khả năng thực hiện, số tiền có thể giải ngân đến hết thời hạn của chương trình và đề xuất phương án xử lý số tiền còn lại không sử dụng hết.
Tương tự, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần báo cáo Chính phủ về số tiền còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đề xuất phương án xử lý.
Đối với việc phân bổ số vốn 14.151 tỷ đồng còn lại chưa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế các bộ liên quan sớm có ý kiến đối với danh mục các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư của các bộ, địa phương
Trong đó, Bộ Y tế và 12 địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án theo đề nghị trước đó của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gửi lại trong tháng 2 để báo cáo Thủ tướng. Các bộ, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp hoàn thiện thủ tục đầu tư không đúng thời hạn nêu trên.
“Đối với số vốn 3.332 tỷ đồng, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện chủ trương đầu tư của các dự án sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến kế hoạch vốn gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư trước ngày 28/2/2023”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định.
Theo TTXVN