Các nhà đầu tư chứng khoán lo ngại sự phục hồi kinh tế sẽ chững lại nếu các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 được áp dụng trở lại.
Giao dịch viên làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chứng khoán thế giới "tuột dốc" trong phiên 21.9, giữa lúc giới đầu tư ngày càng lo ngại về một làn sóng lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ hai cũng như niềm tin về một gói kích thích mới của Mỹ giảm dần.
Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,8% xuống 27.147,7 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 sụt mất 1,2% xuống 3.281,06 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 0,1% và khép phiên ở mức 10.778,8 điểm.
Những hy vọng về một gói kích thích khác của Mỹ đã bị ảnh hưởng bất lợi từ việc Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg qua đời.
Diễn biến này đã làm gia tăng sự khác biệt quan điểm về vấn đề này giữa các đảng phái vốn đã rất đáng kể ở Washington trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3.11.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ.
Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 3,4% xuống 5.804,29 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 4,4% xuống 12.542,44 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 3,7% xuống 4.792,04 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 3,7% xuống 3.160,95 điểm.
Ông Fawad Razaqzada, một nhà phân tích tại công ty tư vấn ThinkMarkets, lưu ý nỗi lo ngại về dịch COVID-19 đã trở lại ám ảnh các nhà đầu tư trong phiên hôm nay.
Họ lo ngại rằng sự phục hồi nhờ hoạt động tiêu dùng sẽ chững lại nếu các biện pháp phong tỏa được áp dụng trở lại.
Chứng khoán London đi xuống sau khi Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cảnh báo cuộc khủng hoảng COVID-19 ở nước này đang ở "điểm bùng phát."
Điều này càng làm bùng lên những đồn đoán về việc Anh sẽ tái áp đặt các hạn chế đi lại nhằm kiềm chế dịch, khi các chuyên gia chính phủ cho biết số ca bệnh có thể tiếp tục gia tăng.
Lĩnh vực ngân hàng cũng bị rung chuyển bởi một cuộc điều tra của giới truyền thông quốc tế cho rằng một lượng lớn “tiền bẩn” có thể đã “chảy” qua một số ngân hàng lớn nhất thế giới trong nhiều năm liền.
Đối mặt với những cáo buộc này, các ngân hàng trả lời rằng trong những năm qua họ đã làm việc với các cơ quan quản lý quốc gia để giải quyết những vấn đề được nêu trong báo cáo.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng lưu ý rằng cơ quan thực thi pháp luật đôi khi yêu cầu họ duy trì mối quan hệ khách hàng để hỗ trợ các cuộc điều tra sâu hơn.
Còn tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 21.9, chỉ số VN-Index tăng 6,99 điểm (0,78%) lên 907,94 điểm trong khi chỉ số HNX-Index tăng 1,07% lên 130,58 điểm./.
Theo Vietnam+