Chuẩn bị giải phóng mặt bằng khu tập thể máy bơm: Người dân băn khoăn

02/04/2021 14:18

Nhiều người dân ở khu tập thể Máy bơm còn tâm lý lo ngại khi rời khu nhà xập xệ này trong khi khu nhà ở xã hội phục vụ tái định cư chưa thi công. Việc phải đi thuê nhà cũng lắm mối lo với nhiều hộ dân.


Nhiều năm nay, người dân khu tập thể Máy bơm phải sống trong tình cảnh xập xệ, tồi tàn vì nhà ở xuống cấp nghiêm trọng

Từ khi biết thông tin TP Hải Dương chuẩn bị giải phóng mặt bằng khu tập thể Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương, nhiều hộ dân sinh sống tại đây không khỏi băn khoăn về phương án tái định cư mà thành phố đưa ra.

Lo nhiều thứ

Gia đình bà Trần Thị Liện sống tại khu tập thể Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương (gọi tắt là KTT Máy bơm) từ năm 1967. Đến nay, nhà bà đã 4 lần di chuyển chỗ ở nhưng chỉ quanh quẩn trong KTT, lúc thì ở nhà tầng khi lại xuống nhà cấp 4. Vì thế, bà Liện là người hiểu rõ nhất thực trạng tồi tàn ở đây. Theo bà Liện, nhiều năm nay bà luôn phấp phỏng, lo sợ tai họa sẽ ập đến bất cứ lúc nào vì nhà xập xệ, xuống cấp. Một căn nhà khang trang, sạch sẽ là mong mỏi bấy lâu của bà song khi biết được kế hoạch bố trí chỗ ở mới cho người dân tại KTT, bà thấy không phù hợp. Bà Liện chia sẻ: "Tôi nhận thức được rằng việc rời đi là cần thiết và đi sớm ngày nào hay ngày ấy. Tuy vậy, khu tái định cư còn chưa xuống móng, chúng tôi phải đi thuê trọ. Hầu hết người dân trong KTT đều đã cao tuổi, việc tìm thuê nhà, dọn dẹp đồ đạc đi nơi khác rất khó khăn. Thậm chí còn chưa kể đến việc người ta còn ái ngại cho người già thuê nhà".

Gắn bó với KTT Máy bơm gần 40 năm, đến giờ ông Đỗ Kim Mười cũng không thể nhớ được đã phải cơi nới, sửa nhà bao nhiêu lần. Căn nhà chỉ vỏn vẹn 15 m2 là nơi 4 thế hệ nhà ông Mười sinh sống, trưởng thành. Hiện chỉ còn vợ chồng ông ở đây. Để cố duy trì công năng của căn nhà đã cũ kỹ, ông Mười phải dùng nhiều cách như dùng bạt dứa dán lên tường tránh vữa rơi, ốp trần bằng xốp cho không bị mưa dột... Dù tạm bợ, chắp vá nhưng ông đã sống ổn định ở đây nửa đời người. Vì thế, khi biết thông tin thành phố sắp giải phóng mặt bằng khu vực này và đề xuất phương án tái định cư, ông Mười còn băn khoăn.

Ông Mười cho biết KTT là tài sản mà nhà máy dành cho ông và những công nhân khác, cũng đã được cấp "sổ đỏ" tập thể. Hiện KTT đã xuống cấp nghiêm trọng, không chỉ đe dọa tới tính mạng, tài sản của người dân mà còn gây mất mỹ quan đô thị. Vì thế chủ trương di dời là hợp lý nhưng cách làm của thành phố khiến các hộ đắn đo. "Chúng tôi phải rời đi khi chưa biết bao giờ khu tái định cư mới xây xong. Rồi còn nhiều bất tiện phát sinh trong quá trình ở trọ. Tới nơi ở mới là khu nhà ở xã hội, với lương hưu chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng thì việc đóng phí dịch vụ hằng tháng còn khó khăn chứ chưa nói đến phải thêm tiền mua nhà. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn biết sau khi rời đi, thành phố sẽ xây dựng dự án gì tại đây. Nếu làm công trình phúc lợi xã hội thì chúng tôi rất ủng hộ còn nếu để doanh nghiệp thuê xây dựng khu thương mại kết hợp nhà ở thì chúng tôi phải là người đầu tiên được ở tại đây", ông Mười bày tỏ.

Sẽ cân nhắc

KTT Máy bơm gồm 5 khối nhà từ 2-3 tầng và 11 dãy nhà cấp 4 với tổng số 256 căn và hiện có 158 hộ đang sinh sống. Theo kết quả thẩm định của Sở Xây dựng thì KTT thuộc mức độ nguy hiểm cao nhất, cần phải nhanh chóng di chuyển toàn bộ người dân ra khỏi khu vực. Trước thực trạng này, TP Hải Dương đã đề xuất phương án di chuyển các hộ sang khu nhà ở xã hội thuộc dự án làng Lilama 69-3, dùng 2 tòa nhà II và VII để bố trí tái định cư với tổng số 243 căn. Dự kiến công trình khởi công vào tháng 6.2021, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 12.2022. Chậm nhất ngày 30.5, các hộ phải di chuyển khỏi KTT để cơ quan chức năng tổ chức tháo dỡ, thu hồi vật liệu trước ngày 30.6. Thành phố cũng đề xuất vận dụng Quyết định 37/2014/QĐ-UBND và Quyết định 16/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh để hỗ trợ các hộ thuê nhà và di chuyển phạm vi ngoài phường sinh sống. Tổng mức hỗ trợ hơn 12 tỷ đồng lấy từ nguồn ngân sách thành phố. Ngoài ra, căn cứ vào hiện trạng thực tế sẽ hỗ trợ tài sản các hộ tự nâng cấp, sửa chữa nhà với mức 100% đơn giá xây dựng mới đối với trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép, còn lại hỗ trợ 60%. Thành phố cũng xây dựng quy chế tiêu chuẩn xét duyệt giao nhà cho các hộ theo thứ tự ưu tiên.

TP Hải Dương đã tổ chức họp dân, tuyên truyền về chủ trương di dời, xin ý kiến của các sở, ngành về phương án di chuyển và tiến hành xác định hiện trạng, kiểm đếm tài sản đối với từng căn nhà trong KTT Máy bơm. Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân tại đây, hầu hết người dân có tâm lý lo ngại vì khu nhà ở xã hội phục vụ tái định cư chưa thi công. Mặt khác, việc thuê nhà khó khăn vì số hộ đông, đa số là người già. Nhiều gia đình có ý kiến sau khi khu tái định cư xây dựng xong sẽ di chuyển và không đòi hỏi hỗ trợ thuê nhà. Theo ông Tăng Văn Quản, Phó Chủ tịch UBND thành phố, việc di dời các hộ dân KTT Máy bơm là cấp bách, không thể chậm trễ hơn nữa. Trước những ý kiến của người dân, thành phố sẽ cân nhắc và đưa ra cách giải quyết tối ưu, có lợi nhất cho người dân, nhưng các hộ dân cũng cần vì lợi ích chung để khắc phục khó khăn, hướng tới mục tiêu phát triển của thành phố.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Chuẩn bị giải phóng mặt bằng khu tập thể máy bơm: Người dân băn khoăn