Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sớm nhận ra báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Người đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, là người thầy, người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận này.
Người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam
Trên con đường hoạt động cách mạng, hành trình khơi nguồn dòng báo chí cách mạng Việt Nam là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thiện nhận thức về lý luận và thực tiễn con đường giải phóng cho dân tộc, chuẩn bị các bước về tư tưởng, tổ chức, con người để tiến tới thành lập một chính đảng vô sản tại Việt Nam.
Với quan niệm, làm báo chính là để làm cách mạng, Người đã tham gia sáng lập tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) để tạo một kênh thông tin, lên tiếng tố cáo bản chất tàn bạo của thực dân Pháp, làm cho nhân dân thế giới biết đến cuộc sống “cùng khổ” của người dân Việt Nam; từ đó lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh “tự giải phóng”.
Ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập và phát hành số 1. Đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trực tiếp chỉ đạo và là cây bút chủ chốt. Sự kiện lịch sử này đặt dấu mốc khởi nguồn cho sự ra đời và không ngừng phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.
Tháng 12/1926, Người lập ra báo Công nông cho giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam. Tháng 2/1927, Người sáng lập tờ báo Lính kách mệnh, dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng. Mùa thu năm 1928, Nguyễn Ái Quốc bí mật đến Thái Lan, Người góp ý đổi tên báo Đồng Thanh của Việt kiều thành tờ Thân Ái. Người cũng tham gia viết bài và chỉ đạo tờ báo này.
Những tờ báo xuất bản công khai hoặc bí mật do Người sáng lập ở nước ngoài đều tập trung vào truyền bá tư tưởng cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập một Đảng Cộng sản kiểu mới đủ khả năng, bản lĩnh chính trị lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá tan ách nô lệ, giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
Ngay trong năm Đảng ta ra đời, Người sáng lập tạp chí Đỏ (số đầu tiên xuất bản ngày 5/8/1930), đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác viên mật thiết của các tờ báo: Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta... với nhiều bút danh khác nhau.
Đầu năm 1941, sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8 thành lập Mặt trận Việt Minh và sáng lập báo Việt Nam độc lập ở căn cứ địa Việt Bắc. Số đầu tiên Người đánh số 101 (với ý nghĩa đây là tờ báo tiếp tục truyền thống của những tờ báo cách mạng trước đây) ra ngày 1/8/1941. Báo Việt Nam độc lập đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền cổ động, tổ chức nhân dân vào các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Năm 1942, Người chỉ đạo thành lập báo Cứu quốc.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Người tiếp tục tổ chức và cho ra đời một số tờ báo mới. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), Người chỉ đạo thành lập báo Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Đảng, số đầu tiên ra ngày 11/3/1951. Ngoài việc sáng lập, chỉ đạo hoạt động, Người còn là cộng tác viên rất nhiệt tình của tờ báo: Từ số 1 đến số 5.526 (ngày 1/6/1969), Người đã có hơn 1.200 bài viết đăng trên báo Nhân dân với 23 bút danh khác nhau.
Có thể nói ở bất cứ hoàn cảnh và cương vị nào, viết báo trở thành nhu cầu hoạt động cách mạng của Người.
Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết khoảng 2.000 bài báo, tác phẩm với nhiều thể loại. Đó là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng. Người đã để lại nhiều bài học quý về nghề báo và kỹ năng làm báo cách mạng chuyên nghiệp.
Ngòi bút báo chí của Hồ Chí Minh rất phong phú - từ chính luận, bình luận, bút ký, phóng sự, ghi chép cho đến những tin vắn, thậm chí minh họa; ghi dấu ấn với nhiều đề tài đặc biệt: về chủ nghĩa đế quốc, thực dân, về nước Mỹ, Pháp, Trung Quốc, nhiều nước Đông Nam Á… Tất cả những bài báo của Người luôn “có gì đó rất Hồ Chí Minh”. Ở đó, hiệu quả báo chí được phát huy bởi một vốn hiểu biết rộng lớn và sâu sắc về các nền văn hóa, văn minh.
Đọc lại những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dễ nhận ra sự trong sáng về văn phong, sự giản dị trong cách trình bày để nội dung dù khó và phức tạp cũng trở nên dễ hiểu với người nghe, người đọc - không diễn đạt cao siêu, khó hiểu mà gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Dù các bài viết đó thuộc thể loại nào, phục vụ cho đối tượng người đọc nào, nói về những vấn đề cụ thể nào của cuộc sống chiến đấu, lao động hay những vấn đề lớn của đất nước, dân tộc, thời đại, theo Hồ Chí Minh, muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu phải học cách nói của quần chúng. Có học cách nói của quần chúng thì mới được người đọc là quần chúng chấp nhận. Người dạy “Chớ ham dùng chữ”, “Viết phải thiết thực”. Mặc dù là người uyên bác, am hiểu văn hóa phương Đông, phương Tây, biết nhiều ngoại ngữ nhưng Người thường sử dụng từ ngữ đơn giản, thông dụng mà lại phản ánh đúng bản chất sự vật, có sức thuyết phục cao.
Tháng 9/1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong cách thể hiện, Người cho rằng “làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết” và trước khi cầm bút viết, mỗi nhà báo phải tự đặt câu hỏi cho chính mình là “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”.
Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, Người đòi hỏi người làm báo không ngừng học tập, nâng cao trình độ hiểu biết chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp. Người cũng yêu cầu cán bộ báo chí phải biết tự phê bình và phê bình. Người coi đó “là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Đối với nhà báo cách mạng “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ” và phải “Phê bình với một tinh thần thành khẩn, xây dựng “trị bệnh cứu người”.