Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về sắp xếp lại thôn, khu dân cư, các địa phương đã và đang tích cực lên kế hoạch triển khai.
Ngày 23.4.2019, Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVI đã quyết nghị thông qua tờ trình của UBND tỉnh về sắp xếp lại thôn, khu dân cư (KDC) theo Đề án 01 của Tỉnh ủy về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Theo đó, sau khi sáp nhập, chia tách, toàn tỉnh có 1.347 thôn, KDC, giảm 122 thôn, KDC.
Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, các địa phương đã và đang tích cực lên kế hoạch triển khai. Tập trung công tác tuyên truyền đến tận địa bàn các thôn, KDC về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sắp xếp lại thôn, KDC bảo đảm đúng tiêu chí về diện tích, dân số. Thành lập mới các thôn, KDC nhằm bảo đảm các yếu tố để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tránh tình trạng các thôn, KDC nhỏ lẻ không bảo đảm các tiêu chí về dân số, diện tích theo quy định, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng, cải tạo đồng ruộng. Đối với những thôn, KDC có số dân quá đông, diện tích lớn gây khó khăn trong thực hiện quy hoạch, quy chế quản lý, đầu tư sản xuất, kinh doanh cần được chia tách...
Tuy nhiên, việc thực hiện sáp nhập, chia tách cũng gặp những khó khăn, trở ngại, nhất là đối với các thôn. Các thôn, làng được hình thành mang tính tự phát từ nhiều đời nay. Lúc đầu có thể là một vài hộ tự lập, sau đó kéo theo một số hộ khác, chủ yếu là người cùng hoàn cảnh hoặc người cùng dòng họ. Khởi đầu là xóm, ấp, sau thành làng. Tuy nhỏ nhưng những người trong làng cũng gom góp xây dựng đình làng, chùa làng. Đình làng thờ thành hoàng làng, người có công lập làng hoặc thờ thần. Phong tục tập quán ở mỗi làng có khác nhau. Hội hè đình đám cũng khác nhau. Phương thức canh tác, gieo trồng mùa vụ hoặc chăn nuôi cũng không giống nhau. Mỗi làng có những nét sinh hoạt khác nhau, đôi khi mang tính khép kín. Bây giờ sáp nhập, chia tách cũng khó tránh khỏi những băn khoăn trong mỗi người dân, nhất là đối với những thôn, KDC nhỏ phải sáp nhập vào thôn, KDC lớn hơn, sinh tư tưởng tự ti, nảy sinh tiêu cực kiểu thôn, KDC mình phải theo người ta, không còn tự chủ như trước...
Nhằm khắc phục tình trạng này, công tác tuyên truyền có vai trò rất quan trọng. Ngoài việc phổ biến những điểm chung, cơ bản về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cần tuyên truyền theo đặc thù, đặc điểm của từng làng, xã, nhất là những vấn đề thuộc phong tục, tập quán ăn ở, sinh hoạt, canh tác, thờ cúng tâm linh... Đối với cán bộ không chuyên trách thuộc diện dôi dư cần có cơ chế chính sách hợp lý để số cán bộ này yên tâm, tích cực thực hiện việc sáp nhập, chia tách. Bố trí cán bộ ở các thôn, KDC mới phù hợp. Đi đôi với sắp xếp các thôn, KDC, cần xây dựng quy chế làm việc, củng cố các hội, đoàn thể, quy ước thôn, KDC mới, thực hiện bí thư chi bộ là trưởng thôn, KDC. Bộ máy cán bộ thôn, KDC cần bắt tay vào làm việc theo mô hình mới ngay từ đầu, ổn định, nền nếp, từng bước đổi mới mang lại hiệu quả cao.
Việc sáp nhập, chia tách thôn, KDC là một chủ trương lớn, cần được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
VŨ HOÀNG