Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an tỉnh, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh đã giảm hẳn.
Thời gian qua, nhờ tăng cường kiểm tra, giám sát nên tình trạng khai thác trái phép cát và khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể
Nhằm kịp thời ngăn chặn các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác cát sỏi trái phép (KTCSTP), thời gian qua Công an tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để đấu tranh, kiên quyết xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này. Nhờ đó đã hạn chế được tình trạng KTCSTP.
Hải Dương có hệ thống đường thủy đa dạng. Các tuyến sông dài, chạy qua nhiều địa bàn, giáp ranh với các địa phương khác nhau. Do đặc điểm này, có những thời điểm nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng để KTCSTP làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều, đất canh tác của người dân, gây bức xúc trong dư luận.
Trước tình hình trên, từ cuối năm 2019, Công an tỉnh đã tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp, bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi KTCSTP. Đáng chú ý là việc triển khai kế hoạch ngày 8.11.2019 về tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác cát và khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Lực lượng Công an tỉnh đã lập 4 chốt kiểm soát 24/24 giờ, tại 4 “điểm nóng” về hoạt động KTCSTP trên 2 tuyến sông Thái Bình và Kinh Thầy.
Sau hơn 6 tháng triển khai thực hiện kế hoạch trên, tình trạng KTCSTP trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, không còn các “điểm nóng” như trước đây. Việc vận chuyển cát vào tiêu thụ tại Hải Dương cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến KTCSTP trên địa bàn tỉnh, các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố đã tuyên truyền về quy định khai thác cát cho 766 chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên; vận động 40 tàu thuyền tự tháo dỡ các thiết bị hút cát. Các lực lượng đã rà soát và lên danh sách hơn 600 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân sử dụng, tiêu thụ, khai thác khoáng sản, kinh doanh bến bãi, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh; hơn 180 chủ phương tiện thủy có gắn máy, vòi hút cát, chủ phương tiện hoặc thuê, mượn phương tiện vận chuyển cát, khoáng sản; hơn 30 trường hợp đấu thầu các dự án thuê đất bãi ven sông, nuôi thủy sản nhưng có biểu hiện móc ngoặc với các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép để có biện pháp tuyên truyền, kiểm soát và quản lý… Thượng tá Lê Văn Lượng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh cho biết: "Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường vận động, tuyên truyền, quản lý, giám sát chặt chẽ các phương tiện có gắn vòi hút cát cũng như các bến bãi hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, khai thác cát để phòng ngừa các sai phạm trong lĩnh vực này".
Hơn 6 tháng qua, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 179 vụ (trong đó có 32 vụ khai thác khoáng sản trái phép và 147 vụ kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản không rõ nguồn gốc), thu giữ hơn 27.000 m3 cát, nộp ngân sách nhà nước hơn 420 triệu đồng. Đáng chú ý trong thời gian này đã có 1 đối tượng vi phạm pháp luật về khai thác cát trái phép bị khởi tố, bắt tạm giam.
Dự báo từ nay đến cuối năm nhu cầu san lấp, xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều trong khi các mỏ cát sỏi được quy hoạch chưa cung cấp đủ nhu cầu sẽ dẫn đến việc lén lút KTCSTP tái diễn. Hoạt động vận chuyển cát không rõ nguồn gốc từ các địa phương khác bán cho các bến bãi tại Hải Dương cũng sẽ tăng. Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản; triển khai các kế hoạch tuần tra, kiểm soát thường xuyên hơn trên các tuyến, địa bàn quản lý. Trong đó tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, vào các thời điểm có nguy cơ diễn ra các hoạt động khai thác, vận chuyển cát sỏi trái phép để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
VĂN TÚ