Trước thông tin Nhật Bản mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu sang nước này, những ngày qua, người trồng vải rất vui mừng, phấn khởi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP ở Thanh Hà. Ảnh tư liệu
Ngành nông nghiệp tỉnh mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) sớm có hướng dẫn để các địa phương chủ động đón bắt cơ hội này, nâng giá trị quả vải thiều, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Huyện Thanh Hà - vùng đất được mệnh danh là thủ phủ của quả vải thiều Hải Dương hiện có khoảng 4.000 ha vải. Niên vụ 2019, sản lượng vải của Thanh Hà đạt 17.800 tấn. Hiện nay, huyện có 90ha vải thuộc 4 xã được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường Hoa Kỳ, Australia và châu Âu.
Gia đình ông Nguyễn Đức Nhân, thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy (Thanh Hà) là một trong những hộ có vườn vải được cấp mã số vùng trồng đảm bảo điều kiện xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Australia và châu Âu. Hiện tại, gia đình ông Nhân đang tập trung khoanh cành, bẻ lộc nhằm khống chế lộc đông cho vải.
Ông Nhân vui mừng chia sẻ: "Mong muốn của người dân chúng tôi lâu nay là quả vải được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới, giá vải cao lên.
Nhận được tin sang năm 2020, Nhật Bản cho phép quả vải thiều vào thị trường Nhật, chúng tôi rất phấn khởi, đã họp và thống nhất sản xuất đảm bảo quy trình đúng tiêu chuẩn để xuất khẩu được. Cụ thể, việc tưới nước, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ thực hiện nghiêm chỉnh theo quy trình đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn".
Xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà có 342ha vải; trong đó, 85ha vải sớm. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất vải trung bình đạt khoảng 11 tấn/ha, cho lợi nhuận 150-160 triệu/ha. Cây vải được xác định là cây ăn quả chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao của xã.
Đại diện lãnh đạo địa phương cho biết, khi có thông tin Nhật Bản cho phép nhập khẩu vải thiều Việt Nam, UBND xã đã chỉ đạo hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của xã thông báo cho các hộ sản xuất vải phải đảm bảo tiến trình chăm sóc theo chuẩn VietGAP.
Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Bí thư huyện ủy Thanh Hà, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đôn đốc, hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất đảm bảo vải sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP để đáp ứng được yêu cầu các thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, huyện cũng tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để nông dân mở rộng vùng vải VietGAP đảm bảo vải đáp ứng nhu cầu thị trường. Song song với đó, huyện cũng đã có kế hoạch tổ chức gặp gỡ và ký kết với các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo một kênh thuận lợi để đưa quả vải sang các thị trường, đặc biệt là thị trường khó tính.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui thị trường xuất khẩu cho quả vải được mở rộng, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương còn không ít băn khoăn bởi với mỗi thị trường mới, đặc biệt là những thị trường khó tính, từng thị trường lại có yêu cầu riêng đối với quả vải xuất khẩu.
“Rất mong Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp sẽ có hướng dẫn để nông dân sản xuất vải đáp ứng được những tiêu chuẩn của các thị trường đó. Chúng tôi rất mong sớm có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là quả vải, để doanh nghiệp đồng hành cùng người dân sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, đảm bảo chất lượng đồng đều và lâu dài”, ông Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ.
Hiện Hải Dương có khoảng 10.000ha vải, tập trung ở huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh; trong đó, trên 300ha vải được chứng nhận VietGAP và trên 80% diện tích vải Hải Dương được sản xuất theo quy trình VietGAP.
Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 13 vùng trồng với diện tích gần 132ha vải được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu vải đi các thị trường Mỹ, Australia, EU. Những năm gần đây, có khoảng 10% sản lượng vải đi các thị trường khó tính như Anh, Pháp, Australia, Hàn Quốc và thậm chí đã xuất khẩu vải cấp đông sang thị trường Nhật.
Đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT đánh giá, Nhật Bản là một thị trường lớn, việc mới đây, Nhật thông tin mở cửa cho quả vải tươi là cơ hội cho quả vải nâng cao giá trị. Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Chúng tôi mong muốn Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật sớm thông tin chính thức về việc này và có hướng dẫn cụ thể các điều kiện về vùng trồng, các cơ sở đóng gói, thẩm định và chuẩn hóa lại vùng trồng,… để Hải Dương sớm triển khai”.
Trong lúc chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ NN-PTNT, một mặt, Sở NN-PTNT tiếp tục khuyến cáo người trồng vải thực hiện triệt để các biện pháp khoanh cành, xử lý lộc đông để vải thiều ra hoa, đậu quả đạt tỷ lệ cao.
Mặt khác, Sở cũng tham mưu tỉnh các biện pháp hỗ trợ các vùng vải chứng nhận VietGAP, duy trì cho các vùng vải đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Australia và châu Âu cũng như chuẩn bị các điều kiện khi Bộ NN-PTNT có hướng dẫn sẽ kịp thời hướng dẫn nông dân sản xuất để đáp ứng điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản.
Để tránh tình trạng được mùa, rớt giá tái diễn ở vụ vải năm 2020, ngành nông nghiệp Hải Dương cũng chủ động phối hợp với các địa phương và các sở ngành liên quan lên phương án xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ vải như: tổ chức lễ hội vải thiều Thanh Hà, mời các doanh nghiệp về địa phương kết nối tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách hỗ trợ cho cá thành phần kinh tế tham gia vào quá trình thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Ngành cũng đề nghị Bộ Công thương có các biện pháp hỗ trợ địa phương xúc tiến thương mại cho quả vải, ngăn chặn các thông tin thất thiệt ảnh hưởng tới việc tiêu thụ sản phẩm…
Theo TTXVN