Gia đình

Chồng quẳng gánh nặng tài chính cho vợ

Theo VnExpress 08/12/2023 08:40

Đã 5 năm từ ngày cưới, mỗi tháng Nguyệt được chồng đưa bốn triệu đồng và coi như hết trách nhiệm kinh tế.

Trước đây vợ chồng người phụ nữ 32 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội sống cùng bố mẹ, hàng tháng góp tiền chi tiêu sinh hoạt cho ông bà, còn lại tiền ai nấy tiêu. Khi có con và ra ở riêng, chồng Nguyệt vẫn giữ nếp sinh hoạt cũ, mỗi tháng đưa vợ bốn triệu, không quan tâm gia đình cần chi tiêu gì. Nguyệt nói cô biết lương chồng cao gấp ba lần số tiền đưa cho mình.

Lúc đầu Nguyệt ngại không muốn nói với chồng chuyện tiền nong, tự xoay xở trong khoản lương 8 triệu đồng của mình cùng bốn triệu "tiền trách nhiệm" của chồng. Nhưng từ khi có con, chi tiêu gia đình tăng gấp vài lần, thậm chí có tháng phải vay thêm bên ngoài mà tiền chồng đưa vẫn như cũ khiến người vợ bức bối. Nhưng mỗi lần cô đề nghị đưa thêm tiền, anh lại nổi cáu, mắng vợ tiêu pha hoang phí.

"Chồng nói bốn triệu đủ để mua sữa cũng như đóng học cho con. Còn lại ăn uống và chi tiêu lặt vặt không đáng là bao, làm vợ phải lo toan", Nguyệt kể.

Chồng cô cũng lý luận trước đây sống với bố mẹ, anh đưa hai triệu vẫn đủ, giờ tăng lên gấp đôi vẫn kêu ca. "Cứ nhắc tới tiền là hai vợ chồng lại cãi nhau", Nguyệt nói.

Ảnh minh họa: shutterstock

Ảnh minh họa

Hồng Minh, sống ở Phủ Lý, Hà Nam cũng nhiều lần nói bóng gió về việc thiếu hụt chi tiêu trong gia đình nhưng dường như chồng cô không nghe thấy.

Minh là giáo viên mầm non, ngoài giờ đi dạy ở trường còn phải bán hàng trên mạng để có thêm thu nhập, lo cho hai đứa con. Chồng cô là nhân viên thị trường, thu nhập cao hơn vợ nhưng từ ngày lấy nhau, anh chưa khi nào đưa tiền nuôi con. Mỗi khi vợ hỏi, người đàn ông này đều bảo "tiết kiệm làm việc lớn".

Việc lớn mà chồng Minh nhắc đến chính là cưu mang gia đình ở quê. Bố mẹ chồng giao cho con trai đủ thứ việc, từ tiền sinh hoạt hàng tháng đến đóng góp xây dựng nhà thờ rồi ma chay hiếu hỉ. Bố mẹ chồng lại nghĩ con trai kiếm được nhiều tiền, biết lo toan nên coi thường con dâu ra mặt.

"Tôi quá mệt mỏi vì bị chồng quẳng cho toàn bộ gánh nặng tài chính. Nhiều lúc chán nản đã nghĩ tới việc chia tay", người phụ nữ 35 tuổi nói.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, do thói quen ít khi rành mạch chuyện tiền nong của nhiều gia đình Việt nên chuyện người vợ bức xúc khi chồng chỉ đóng góp kinh tế ít ỏi hoặc không "góp gạo thổi cơm chung" như trường hợp của Thu Nguyệt hay Hồng Minh không phải hiếm.

"Trong hôn nhân, tiền bạc là vấn đề nhạy cảm. Nếu người chồng không chịu chia sẻ hoặc không trung thực về tài chính trong khi người vợ lại cắn răng chịu đựng, đến khi vượt quá giới hạn sẽ nảy sinh mâu thuẫn, dễ dẫn tới xung đột", ông Hòa nói.

Chuyên gia cho rằng, lý do đầu tiên là người chồng bị ảnh hưởng từ truyền thống gia đình. Gia đình gốc của họ bị phụ thuộc vào người mẹ, bản thân người chồng có quan niệm hôn nhân là phụ nữ phải lo toan mọi việc nên giữ thói quen tương tự cho đến khi lập gia đình.

Nguyên nhân thứ hai là do phụ nữ khi mới kết hôn ngại đề cập đến chuyện tiền nong hoặc do họ có thu nhập cao nên không đòi hỏi hay đòi hỏi ít sự đóng góp của chồng, tạo thói quen ỷ lại cho bạn đời. Dần dà, các ông chồng thấy vợ có thể tự lo chi tiêu nên quên luôn trách nhiệm san sẻ gánh nặng tài chính hoặc chỉ đưa cho có.

Việc người chồng thiếu kỹ năng về mặt tài chính và đời sống là lý do tiếp theo khiến họ bàng quan trong trách nhiệm với gia đình. Trong văn hóa Việt Nam, con gái được dạy dỗ phải quán xuyến việc gia đình, trong khi con trai được dạy phải làm việc lớn, không thể "đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành", mà không nghĩ đó là kỹ năng cần phải có trong xã hội hiện đại.

"Bởi vậy mới xuất hiện những ông chồng không nhận thức được các chi phí trong gia đình. Họ lấy tiền lương về đưa cho vợ và nghĩ như vậy là đủ nhưng không hiểu được chi phí để duy trì một gia đình lại rất lớn", ông Hòa nói.

Cùng quan điểm, tiến sĩ tâm lý họcNguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, một phần lỗi thuộc về người vợ chỉ im lặng, khiến người chồng nghĩ chỉ cần đóng góp ít thậm chí không đóng góp tài chính vẫn có vợ lo được, lâu dần tạo thành tính ỷ lại rồi trở nên vô trách nhiệm.

"Đa số phụ nữ biết vun vén cho gia đình nên khi có tiền họ thường chủ động để lo cho cuộc sống chung. Trong khi đàn ông vì không chi li cặn kẽ, lại có nhiều thú vui bên ngoài nên khi có tiền, lại không chăm lo cho gia đình rất dễ sinh tật như ngoại tình hay sa vào tệ nạn", bà Minh nói.

Bởi vậy, theo nữ chuyên gia, vợ chồng sống với nhau cần có trách nhiệm chia sẻ tài chính. Bằng cách này hay cách khác cũng nên có thỏa thuận, trao đổi thu chi một cách rõ ràng và tích cực, đồng thời lựa chọn hình thức đóng góp phù hợp.

Theo đó, việc đầu tiên cần làm là tìm lý do vì sao chồng lại quẳng gánh lo tài chính cho vợ. Nếu do thói quen hoặc chưa nhận thức được hết, cần phải lý giải cho họ hiểu trách nhiệm trong gia đình. Tuy nhiên, cần phân tích nhẹ nhàng, không nên phê phán hay chỉ trích, dễ gây tác dụng ngược.

Vợ chồng sau đó có thể bàn bạc thống nhất, lựa chọn những phương án quản lý chi tiêu trong gia đình. Cách phổ biến nhất là cùng tạo ngân sách chung, thẳng thắn trung thực với nhau về tài chính để tạo niềm tin, trách nhiệm giữa vợ chồng.

Tuy nhiên ở trường hợp tạo ngân sách chung, tức là hàng tháng mỗi người phải có trách nhiệm đóng góp khoản tiền cố định, theo bà Minh chỉ thích hợp khi cả hai có nguồn thu nhập ổn định.

"Hôn nhân là cùng nhau bước qua những thăng trầm, biến cố và linh hoạt xử lý mọi tình huống. Còn nếu khư khư nguyên tắc chồng phải góp từng này, đóng từng kia thì khi họ gặp khó khăn hôn nhân khó bền vững", bà Minh chia sẻ.

Cách thứ hai, theo nữ chuyên gia là người chồng đưa hết thu nhập của mình cho vợ hoặc ngược lại nhằm quy tài chính về một mối. Tuy nhiên, cách làm này chỉ nên thực hiện khi bạn đời có khả năng quản lý tài chính tốt, nếu không sẽ tiềm ẩn nguy cơ "vung tay quá trán" từ đó lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần.

Dù lựa chọn phương án nào, theo bà Minh cũng nên lập một quyển thu chi tài chính trong gia đình, bởi việc chi tiêu cũng cần có nguyên tắc và công khai. Cách làm này không những kiểm soát được dòng tiền mà còn minh bạch với bạn đời khi họ có nhu cầu kiểm tra.

Trong trường hợp áp dụng đủ các biện pháp mà người chồng vẫn không chịu gánh vác tài chính với vợ, cần tìm những người uy tín, tiếng nói có trọng lượng với chồng như bạn bè, người thân để tác động, bởi chỉ khi thay đổi được nhận thức mới thay đổi được hành vi.

"Đóng góp tài chính không chỉ là nghĩa vụ mà còn thể hiện sự tin tưởng, tình cảm vợ chồng dành cho nhau. Hai bên đừng nên né tránh để ấm ức hoặc trở nên vô trách nhiệm chính trong gia đình mình", bà Minh nói.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chồng quẳng gánh nặng tài chính cho vợ