Giáo dục và đào tạo

Chọn sách giáo khoa vì học sinh

HOÀNG HÀ 08/08/2024 19:00

Việc giao quyền tự chủ cho các trường chọn sách giáo khoa đã giúp giáo viên ở Hải Dương chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, mang lại lợi ích cho học sinh.

00:00

4c5f103a-b6ec-4cc9-9990-7f17e548de87-1-.jpeg
Quy trình chọn sách giáo khoa lớp 9 được Trường THCS Ngọc Châu (TP Hải Dương) thực hiện kỹ lưỡng, bài bản, đúng quy định

Phục vụ hiệu quả việc dạy và học

Việc lựa chọn sách giáo khoa đã không còn mới lạ với các trường, giáo viên do đã trải qua 4 năm học thay sách giáo khoa theo chương trình mới với các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8 và 10, 11. Năm học 2024-2025 là năm cuối cùng thực hiện thay sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 5, 9 và lớp 12.

Điểm mới lần này là trao quyền lựa chọn sách trở lại cho các giáo viên giống như lần đầu tiên thực hiện thay sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021. Kinh nghiệm qua những lần trước tạo điều kiện thuận lợi để các giáo viên, nhà trường lựa chọn những bộ sách phù hợp, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Cũng như các trường khác, sau khi được tập huấn về lựa chọn sách giáo khoa mới lớp 9, Trường THCS Ngọc Châu (TP Hải Dương) đã chỉ đạo giáo viên nghiên cứu các bộ sách thông qua các bản mềm, sách mẫu, từ đó đưa ra những nhận xét, góp ý với từng bản sách. Các tổ chuyên môn họp, đề xuất và nhà trường bàn bạc thống nhất. Kết quả bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa được sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý từ cao xuống thấp.

Cô giáo Phạm Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Châu cho biết để lựa chọn sách giáo khoa lớp 9 phù hợp, giáo viên được giao nhiệm vụ phải nghiên cứu sách từ lớp 6 đến lớp 8 trong chương trình mới, từ đó đối chiếu, so sánh, chọn bộ sách lớp 9 bảo đảm có tính kế thừa, phù hợp.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Hoà (Gia Lộc), khi được trao quyền tự chủ, các giáo viên đã mạnh dạn bày tỏ ý kiến lựa chọn. Khi giáo viên chọn được bộ sách theo ý của mình sẽ thuận lợi cho việc giảng dạy sau này cũng như bảo đảm được lợi ích của học sinh.

Việc chọn sách cũng được các giáo viên trao đổi, thảo luận, tham khảo các trường trong khu vực để bảo đảm sự tương đồng, phục vụ tập huấn chuyên môn, phần nào giúp phụ huynh tiết kiệm được chi phí, có thể tận dụng được sách cũ.

Áp lực

a7db8f7b-394e-4c02-833b-836b1e86e398-1-.jpeg
Giáo viên Trường Tiểu học Gia Hoà (Gia Lộc) tham gia tập huấn giới thiệu sách giáo khoa mới lớp 5

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Sách II cho biết: “Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ tương đối nặng nề, bởi khi giao quyền tự chủ thì nhà trường, giáo viên phải trách nhiệm hơn. Giáo viên phải mất nhiều thời gian nghiên cứu kỹ các bộ sách giáo khoa để phù hợp năng lực học sinh, điều kiện thực tế của nhà trường”.

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Trường THCS Lạc Long (Kinh Môn), việc trao quyền tự chủ cho giáo viên chọn sách rất hợp lý nhưng cũng không hề dễ dàng vì có tới 3 bộ sách là Cánh Diều, Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo.

“Chúng tôi phải tập trung cao tại các buổi tập huấn, nghiên cứu nhiều bản sách của các bộ sách khác nhau, đánh giá ưu, nhược điểm từng bản sách. Khó khăn nhất là thống nhất để chọn được bộ sách đáp ứng tiêu chí thuận lợi cho mỗi giáo viên cũng như sinh hoạt chuyên môn tổ, cụm các trường trong khu vực. Có như vậy, sau này giáo viên giảng dạy trực tiếp mới hiệu quả”, thầy Hùng chia sẻ.

Một số giáo viên cũng bày tỏ lo lắng khi dạy sách giáo khoa mới. Một giáo viên dạy ngữ văn của một trường THPT ở huyện Kim Thành cho biết qua nghiên cứu sách giáo khoa lớp 12 mới thấy nhiều khó khăn sẽ gặp phải. Bởi sách mới, chương trình giáo dục phổ thông mới không phân tích, bình giảng tác phẩm như chương trình cũ mà dạy tác phẩm theo đặc trưng thể loại nên rất khó để dạy hay, tạo hứng thú cho học sinh. Đặc biệt, các bài kiểm tra, bài thi sẽ không lấy các văn bản trong sách giáo khoa nên một số học sinh có thể có tâm lý không cần học. Có nhiều bài kiến thức mang tính hàn lâm, thậm chí là quá sức với cả giáo viên.

"Tôi đang tìm phương pháp dạy học sao cho phù hợp nhưng vẫn cảm thấy bị đuối. Đây là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên rất lo lắng, áp lực”, giáo viên này nói.

Để tạo thuận lợi cho giáo viên chọn sách và hiệu quả giảng dạy sau này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục nghiên cứu kỹ Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục Đào tạo quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Sở đã tổ chức các buổi tập huấn, gửi sách giáo khoa bản mềm, bản cứng để các trường nghiên cứu, góp ý bản mẫu.

Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho biết sở quán triệt các trường lựa chọn phải bảo đảm dân chủ, tạo thuận lợi cho phụ huynh và học sinh trong mua sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa sau này. Bên cạnh đó, cũng phải chọn được những bộ sách đạt chất lượng, bảo đảm tốt việc dạy và học ở các trường.

HOÀNG HÀ
(0) Bình luận
Chọn sách giáo khoa vì học sinh