Việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã diễn ra theo đúng hướng dẫn nhưng vẫn còn nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn.
Giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Thượng (TP Hải Dương) trong một buổi họp bàn đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 2
Đúng quy trình
Năm học 2021-2022, học sinh các lớp 2 và 6 sẽ bắt đầu học SGK mới theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Việc lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 được thực hiện theo Thông tư số 25 ngày 26.8.2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Quy trình lựa chọn SGK phải tuân thủ theo 6 bước cụ thể, trong đó bước cuối cùng là UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.
So với hướng dẫn cũ của Bộ GDĐT (Thông tư số 01 ngày 30.1.2020 về việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông), việc lựa chọn SGK theo Thông tư 25 sẽ có điểm mới là các trường không được tự lựa chọn bộ SGK của trường mình. Thay vào đó, các trường cử giáo viên nghiên cứu, góp ý, thống nhất đề xuất lựa chọn SGK và gửi về Phòng GDĐT tổng hợp, báo cáo Sở GDĐT. Sở GDĐT tổng hợp, trình UBND tỉnh. UBND tỉnh sẽ ra quyết định lựa chọn bộ SGK cuối cùng dùng chung cho cả tỉnh.
Ngày 9.3.2021, UBND tỉnh đã có Quyết định số 761/QĐ-UBND ban hành quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Hải Dương, thực hiện từ năm học 2021-2022. Ngày 11.3, Sở GDĐT đã có hướng dẫn về việc lựa chọn SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022, yêu cầu các trường tiểu học, liên cấp tiểu học và THCS căn cứ hướng dẫn, phân công giáo viên nghiên cứu, đề xuất lựa chọn các bộ SGK đã được phê duyệt, báo cáo Phòng GDĐT.
Trước đó, từ ngày 6-9.3, sở đã chủ động phối hợp một số nhà xuất bản tổ chức hội thảo trực tuyến giới thiệu SGK lớp 2 và lớp 6 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên thuộc sở; lãnh đạo, chuyên viên Phòng GDĐT cấp huyện; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, đại diện các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên được phân công dạy lớp 2, lớp 6 tại gần 520 điểm cầu trong toàn tỉnh. Việc này nhằm bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng lựa chọn SGK.
Chỉ trong thời gian ngắn, các trường học trong tỉnh đã hoàn thành việc đề xuất lựa chọn SGK các lớp 1, lớp 2 và lớp 6 cho năm học tới. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Thượng (TP Hải Dương) Phạm Thị Nam cho biết: “Nhà trường đã huy động 12 cán bộ, giáo viên tham gia nghiên cứu, đề xuất lựa chọn SGK. Do đã được hướng dẫn cụ thể nên việc này được thực hiện theo đúng quy trình, không gặp khó khăn gì”.
Hiệu trưởng nhiều Trường THCS khẳng định đã chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn tổ chức cho giáo viên thảo luận, đánh giá và bỏ phiếu kín để lựa chọn 1 SGK/môn/hoạt động theo quy định. Trên cơ sở đó, các trường đều tổ chức họp, thống nhất đề xuất lựa chọn SGK lớp 6 phù hợp.
Ngày 5.4, UBND tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Hải Dương năm học 2021-2022. Theo đó, năm học 2021-2022, học sinh các lớp 1, lớp 2 và lớp 6 ở tỉnh ta sẽ sử dụng ba bộ SGK đã được Bộ GDĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông, gồm: "Cánh Diều" (của hai Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm và Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh), "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" (của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Lo vẫn còn nhiều “sạn”
Những bộ SGK do UBND tỉnh quyết định sẽ được đưa vào giảng dạy từ năm học 2021-2022. Tuy nhiên, nhiều cán bộ, giáo viên, trong đó có cả những người trực tiếp tham gia đề xuất lựa chọn SGK mới vẫn tỏ vẻ lăn tăn.
Cô giáo P.T.C ở huyện Ninh Giang cho biết: “Chúng tôi chỉ được tập huấn 4 buổi và có khoảng hơn một tuần để vừa đọc, vừa nghiên cứu sách. Từng ấy thời gian thì chỉ đọc lướt thôi chứ không thể kỹ được”.
Một số giáo viên ở TP Hải Dương cho biết năm học 2019-2020, khi các trường lựa chọn SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà xuất bản có gửi SGK mẫu về. Tuy số lượng hạn chế, giáo viên mỗi trường chỉ có khoảng ba ngày để đọc, nghiên cứu rồi phải chuyển cho trường khác nhưng việc được thấy tận mắt, sờ tận tay cũng cảm nhận rõ và chính xác hơn. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà xuất bản chỉ cung cấp tài khoản để giáo viên đọc SGK bằng bản PDF. Hình thức nghiên cứu này khiến họ chẳng thể biết chất lượng thực sự của sách như thế nào. Màu sắc, ảnh minh họa trong sách nhìn trên máy tính thấy đẹp nhưng liệu thực tế có được như thế. Vì thời gian có hạn nên họ chưa thể tìm hiểu được đầy đủ nội dung trong SGK mới mình được giao nghiên cứu.
Cô giáo N.T.H. ở huyện Tứ Kỳ được giao nghiên cứu SGK môn hoạt động trải nghiệm lớp 2 của bộ Cánh Diều nhận xét mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng cuốn sách này vẫn còn khá nhiều “sạn” như: phần kết nối với phụ huynh học sinh còn hạn chế; trang 46 của sách có nội dung về xây dựng kế hoạch thăm hỏi, giúp đỡ gia đình thương binh liệt sĩ là không phù hợp vì việc này quá sức với học sinh lớp 2...
Một giáo viên tiểu học khác chỉ ra “sạn” trong môn tiếng Việt 2 của bộ Cánh Diều: “Sách có tới 10 ký hiệu thì học sinh lớp 1 sẽ rất khó nhớ khi sử dụng. Bài "Ươm mầm" thuộc trang 90, 91 của sách này có bài đọc dài, nhiều tên người nước ngoài khó đọc như: Rô-linh, Ha-ri Pót-tơ... Tôi không có đủ thời gian xem kỹ về sách nhưng chắc nhiều bài vẫn còn sạn”.
PV