Nét mới trong lựa chọn sách giáo khoa

02/03/2023 06:15

Năm nay, việc lựa chọn sách giáo khoa mới được ngành giáo dục Hải Dương chủ động triển khai sớm hơn nhằm khắc phục những hạn chế của những năm trước.

Giáo viên Trường THCS Quang Minh (Gia Lộc) đang tập trung nghiên cứu sách giáo khoa lớp 8 mới


Lựa chọn sách sớm

Năm học trước, thời gian lựa chọn sách giáo khoa ngắn, trong khi giáo viên bận thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nên có giáo viên chưa nghiên cứu sâu kỹ dẫn đến việc đánh giá còn sơ khoáng. Các bộ sách chuyển đến giáo viên muộn và chưa đầy đủ. Phần lớn giáo viên chỉ đọc trên mạng nên rất khó để so sánh, nhận xét, đánh giá cụ thể từng bộ sách. Có những bản sách điện tử không truy cập được vào đường link để nghiên cứu.

Lãnh đạo một Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cho biết năm trước, trong cùng 1 huyện nhưng có tình trạng riêng lẻ 1 trường lại chọn bộ sách riêng. Có trường còn thiếu hồ sơ trong quy trình đề xuất lựa chọn sách. Điều này cũng cho thấy quy trình lựa chọn sách của số ít trường còn qua quýt, chưa bài bản.

Để khắc phục những hạn chế này, năm nay, ngành giáo dục Hải Dương đã chủ động triển khai sớm hơn. Trong tháng 2, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu các bộ sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 và tập huấn triển khai việc lựa chọn sách tới các cơ sở giáo dục trong tỉnh. So với những năm trước, việc lựa chọn sách giáo khoa năm nay được triển khai sớm hơn khoảng 1 tháng nhằm giúp các giáo viên có nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn bộ sách hợp lý, áp dụng tại địa phương cũng như đơn vị mình.

Ngay sau hội thảo và tập huấn của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường đã bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch đề xuất lựa chọn sách giáo khoa mới của đơn vị. Các trường đã đánh giá kết quả đề xuất lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa năm học trước, triển khai các nhiệm vụ trong việc lựa chọn sách năm học 2023-2024. Các trường đã quán triệt, phổ biến, hướng dẫn các quy định về lựa chọn sách giáo khoa, tiêu chí lựa chọn, danh mục sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tới giáo viên; yêu cầu các giáo viên bộ môn đọc, nghiên cứu, đánh giá; tổ chuyên môn họp thảo luận, đề xuất lựa chọn sách…

Tại Trường Tiểu học thị trấn Tứ Kỳ, ngay sau khi nhận được bộ sách bản cứng, các giáo viên trong tổ bộ môn khối 4 và 5 đã phân chia để đọc, nghiên cứu. Thầy giáo Nguyễn Văn Thung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết ngoài xem bản sách cứng, giáo viên còn nghiên cứu cả sách điện tử. Trường yêu cầu các giáo viên bố trí thời gian nghiên cứu sâu kỹ, thảo luận, đánh giá từng đầu sách, sau đó bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 1 sách giáo khoa cho mỗi môn học.

“Trường sẽ tổ chức cuộc họp gồm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban Đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất. Sau đó lập danh mục do trường đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo”, thầy giáo Thung nói.

Dạy thực nghiệm

Khi lựa chọn sách giáo khoa mới, dành thời gian nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá chính xác bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị có vai trò rất quan trọng nhưng để khi áp dụng vào giảng dạy thực tế được thuận lợi thì việc dạy thực nghiệm các bộ sách cũng cần được quan tâm. Thực tế là những năm trước việc dạy thực nghiệm các bộ sách mới rất ít.

Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay nhiều trường đã lên kế hoạch dạy thực nghiệm, từ đó có những đề xuất, kiến nghị hợp lý lên cấp trên để lựa chọn những bộ sách tối ưu nhất.

Theo thầy giáo Vũ Tiến Công, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Minh (Gia Lộc), trường đã tổ chức đánh giá đề xuất lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa năm học 2022-2023, rà soát các loại hồ sơ, sắp xếp, lưu trữ đầy đủ theo quy định. Năm nay, trường yêu cầu giáo viên so sánh một số tiết dạy điển hình của các bộ sách, cách hệ thống, sắp xếp các mảng kiến thức để rút kinh nghiệm trong việc chọn ra bộ sách tốt nhất cho học sinh.

“Trường đang yêu cầu giáo viên lựa chọn một số tiết trong các bộ sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự tương đồng với chương trình giáo dục phổ thông 2006 để tiến hành dạy thử và đối chứng kết quả nhằm tìm ra bộ sách hợp lý nhất”, thầy Công cho biết.

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết đã quán triệt và hướng dẫn các trường thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình đề xuất lựa chọn sách theo Thông tư số 25/2020/TT-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở lưu ý giáo viên phải dành thời gian đọc, nghiên cứu kỹ tất cả các bộ sách của các nhà xuất bản. Nếu trường nào có điều kiện dạy thực nghiệm trước khi đề xuất lựa chọn sách giáo khoa thì càng hiệu quả hơn.
Sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã thực hiện với cấp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3; cấp THCS từ lớp 6 đến lớp 7; cấp THPT lớp 10. Năm học 2023-2024 sẽ tiếp tục thực hiện dạy sách giáo khoa mới của lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Năm học tiếp theo sẽ thực hiện sách giáo khoa mới lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nét mới trong lựa chọn sách giáo khoa