Nếu không quản lý tốt việc mua bán thuốc trên sàn thương mại điện tử sẽ gây hậu quả nặng nề và rất khó khắc phục.
Sáng 22/10, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Đây là dự thảo luật được dư luận, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất thuốc chờ đợi. Sau hơn 7 năm thi hành Luật Dược năm 2016, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Do đó, việc sửa đổi Luật Dược là cần thiết, nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc…
Trước đó, hồi tháng 6, dự luật trên đã được đưa ra bàn thảo tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Một trong những vấn đề được người dân, các đại biểu đặc biệt quan tâm là quy định cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng làm thế nào để quản lý bán thuốc trên mạng không phải là điều dễ dàng.
Quy định về vấn đề này trong dự thảo luật còn quá đơn giản, rời rạc, phải đầu tư nghiên cứu thêm, nếu không hậu quả sẽ rất lớn. "Nếu không quản lý chặt, chúng ta sẽ thả gà ra đuổi. Mà gà ở đây chính là tính mạng của người dân", Bộ trưởng Lan nói. Từ đó, Bộ trưởng Y tế đề xuất không đưa thuốc kê đơn vào danh mục thuốc được bán qua sàn thương mại. Với thuốc không kê đơn, phải có quy định chặt chẽ, tổ chức trong khuôn khổ an toàn và trật tự hơn.
Tại kỳ họp này, người dân cả nước lại mong đợi dự thảo luật có những chỉnh lý, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, vì sự an toàn của người dân. Phiên thảo luận về dự luật diễn ra sôi nổi, khá “nóng”, với 11 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 8 đại biểu trong ngành y tế. Đa số ý kiến đại biểu đều hướng đến tính hiệu quả, khả thi của việc sửa đổi luật.
Thuốc là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dùng và chỉ được bán lẻ dưới bốn hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
Hiện nay, thuốc chữa bệnh được bán tràn lan trên mạng. Chưa bao giờ một loại hàng hóa có điều kiện kinh doanh khắt khe lại mua bán đơn giản đến thế, người bán dễ dàng, người mua dễ dãi. Nhiều tổ chức, cá nhân công khai rao bán các loại thuốc trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, trong đó có không ít thuốc điều trị phải kê đơn từ bác sĩ.
Nhiều người thân của tôi, bạn tôi ngại đi khám hoặc tái khám khi có vấn đề về sức khoẻ, đã tự tìm hiểu trên google về triệu chứng của bản thân, rồi tận dụng sự tiện lợi của công nghệ thông tin, tìm kiếm trên mạng những loại thuốc mà mình đã được bác sĩ chỉ định từ lâu hoặc tự mua theo "mách bảo" của người khác, nhất là thuốc kháng sinh. Hậu quả là lắm khi bệnh không khỏi mà có phần nặng lên, làm tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả, ghi các nhãn hiệu nổi tiếng với công dụng điều trị các bệnh về tim mạch, viêm đường hô hấp, tăng huyết áp, tiểu đường, xương khớp, thậm chí là ung thư…
Nhiều đối tượng mua thuốc từ các công ty dược trong nước sản xuất, sau đó thay đổi bao bì, tem, nhãn thuốc, thành các loại thuốc ngoại nhập, để bán với giá cao hơn. Cuối tháng 7/2024, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cảnh báo thuốc kháng sinh Cefixime 200 giả xuất hiện tại một số cơ sở bán lẻ ở nhiều địa phương. Đây là loại thuốc bán theo đơn, những gia đình có trẻ trên 1 tuổi hay mua điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm như viêm tai giữa, viêm họng và amidan, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn đường tiết niệu...
Thuốc mua trên mạng hay sàn thương mại điện tử rất khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thuốc, nhiều thuốc giả được quảng cáo thổi phồng công dụng, sai chỉ định. Để xác định độ thật, giả phải qua kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc. Tuy nhiên, việc này cần thời gian dài và một khoản kinh phí lớn để điều tra, đánh giá.
Khác với những loại hàng hóa khác, thuốc được mua bán trên sàn thương mại điện tử nếu không được quản lý tốt sẽ gây hậu quả nặng nề và rất khó khắc phục. Vì vậy, kinh doanh thuốc qua phương thức này đòi hỏi phải được quy định chặt chẽ, rõ ràng, có chế tài mạnh về loại thuốc, điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, các phương tiện điện tử cụ thể được phép kinh doanh thuốc, vấn đề quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, trách nhiệm của người kinh doanh thương mại điện tử…
Mong rằng sau khi luật được thông qua, Bộ Y tế cần có thông tư hướng dẫn cụ thể, kịp thời để có công cụ kiểm soát hiệu quả, bảo đảm việc mua, bán được thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích, an toàn cho người sử dụng.
BẢO LINH