Chính trường Anh có thể "vững tay chèo" trước "cơn sóng cả"?

26/05/2019 12:19

Ngay sau khi Thủ tướng Anh Theresa May thông báo từ chức hôm 24.5, đã có khoảng 20 nghị sỹ chạy đua tranh chức Chủ tịch đảng Bảo thủ và hy vọng có thể trở thành Thủ tướng tại Vương quốc Anh.


Bà Theresa May nghẹn ngào khi thông báo từ chức thủ tướng Anh

Sáng 25.5, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết ông sẵn sàng thay thế bà May. Ông là ứng cử viên thứ 5 trong cuộc chạy đua vào số 10 Phố Downing. Trong cuộc chạy đua này, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson - người có lập trường cứng rắn về Brexit - đang dẫn đầu. Nhìn chung, danh sách các ứng cử viên tương đối cân bằng về tỷ lệ nam-nữ, nhưng phần lớn là những người chủ trương Brexit. Khác biệt ở đây chỉ là họ cứng rắn nhiều hay ít trong vấn đề này mà thôi. Các ứng cử viên ra tranh chức chủ tịch đảng có một mẫu số chung: Ít được công chúng biết đến và cũng không có nhiều kinh nghiệm, cá tính không quá mạnh, ngoại trừ 3 trường hợp sau:

Thứ nhất là đương kim Ngoại trưởng Jeremy Hunt, người trước đây khăng khăng cho rằng nước Anh phải ở lại Liên minh châu Âu (EU). Thế nhưng, ngay từ tối 24.5, ông đã tuyên bố kiên quyết bảo vệ kế hoạch Brexit, thậm chí còn so sánh EU với Liên Xô trước đây.

Người thứ hai muốn ngồi vào chiếc ghế thủ tướng của bà May là Bộ trưởng Môi trường Michael Gove, một chính khách đầy thủ đoạn, từ lâu đã kiên nhẫn "đứng trong bóng tối" chờ cơ hội. Ngay từ đầu, Gove đứng về phe Brexit và là một trong những nhân vật then chốt, cùng với Boris Johnson, đem lại chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016. Tuy nhiên, cũng chính ông Gove đã phản bội ông Johnson khi đảng tìm người thay thế Thủ tướng David Cameron.

Trường hợp thứ ba là Boris Johnson. Hiện tại, ông được coi là có nhiều triển vọng hơn cả. Vốn chủ trương nước Anh không cần đạt được thỏa thuận với Brussels về Brexit, từ ngày 24/5, ông đã thông báo ra tranh chức chủ tịch đảng. Tuy nhiên, con đường vào Phủ Thủ tướng Anh của Johnson đầy chông gai bởi vì ông tuy gần gũi với tầng những thành viên nòng cốt trong đảng, song lại có khá nhiều địch thủ nặng ký, nhiều người trong số này sẽ chơi trò "thọc gậy bánh xe”.

Tuy nhiên, theo Đài BBC, các ứng cử viên kế nhiệm bà May đang đụng độ nhau về lập trường và quan điểm liên quan đến Brexit ngay khi cuộc đua vào số 10 Phố Downing bắt đầu. Ông Hancock cho rằng người kế nhiệm bà May phải "trung thực, mạnh mẽ" hơn khi đưa ra "các đánh đổi" cần có để đạt được thỏa thuận Brexit. Ông cũng bác bỏ việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm để giải quyết tình trạng bế tắc của Brexit, nói rằng điều này sẽ là "thảm họa đối với đất nước" và có nguy cơ phải chứng kiến lãnh đạo đảng Công đảng đối lập Jeremy Corbyn lên nắm quyền "vào dịp Giáng sinh". Thay vào đó, ông nói rằng trọng tâm của ông sẽ là có được một thỏa thuận Brexit thông qua Nghị viện hiện tại và "cân bằng" lập trường với các nghị sĩ về ý nghĩa của việc này đối với Vương quốc Anh. Ông Hancock cũng nói rằng đảng cầm quyền cần một "nhà lãnh đạo không chỉ trong thời điểm hiện tại mà cả trong tương lai" để có khả năng lôi cuốn các cử tri trẻ tuổi. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải tiến lên từ nền chính trị khủng khiếp trong 3 năm qua. Chúng ta cần một khởi đầu mới và một gương mặt mới để đảm bảo đất nước chiến thắng trong các trận chiến của thập niên 2020 và thịnh vượng trong nhiều năm tới".

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Rory Stewart - một ứng cử viên tiềm năng khác cho vị trí thủ tướng Anh - kêu gọi các chính trị gia nói thật về lập trường của họ trong vấn đề Brexit và tuyên bố ông sẽ không làm việc nếu Boris Johnson làm thủ tướng bởi ông "không ủng hộ quan điểm của ông ta về một Brexit không thỏa thuận".

Các nước thành viên EU đã nhanh chóng phản ứng sau khi Thủ tướng May thông báo chính thức rời khỏi chính phủ ngày vào ngày 7.6.2019. Tuy nhiên, Brussels khẳng định giữ nguyên lập trường về thỏa thuận Brexit, dù có thể xảy ra đối đầu, căng thẳng với tân nội các của Anh. Các nước thành viên EU không tỏ ra xúc động, cũng không hào hứng trước quyết định của bà May. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố bà tôn trọng quyết định của thủ tướng Anh, đồng thời nói rằng đất nước của bà sẽ tiếp tục hướng tới một Brexit "có trật tự" và nói chính phủ của bà sẽ "tiếp tục nỗ lực để đảm bảo có mối quan hệ đối tác tốt với Vương quốc Anh". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh tinh thần dũng cảm của bà May. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng phát biểu tương tự. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cũng nói ngay rằng  quyết định của bà May không làm thay đổi được điều gì. Đối với ủy ban, cũng như đối với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, thỏa thuận Brexit đạt được với Anh vẫn nằm trên bàn. Còn Ngoại trưởng Ailen Simon Coveney cảnh báo người kế nhiệm bà May "đừng hy vọng vào một cuộc đàm phán mới".

Chính phủ Tây Ban Nha tỏ ra bi quan hơn và không thấy giải pháp nào khác ngoài khả năng Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận. Đây cũng là kịch bản mà 27 nước thành viên còn lại lo ngại nhất. Đối với Madrid, cũng như nhiều chính phủ khác, kịch bản xấu nhất này hoàn toàn do lỗi của chính phủ và Nghị viện Anh.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi nước Anh "nhanh chóng làm rõ" quan điểm về Brexit sau khi Thủ tướng May tuyên bố từ chức. Ông Macron nhấn mạnh sự cần thiết phải "duy trì hoạt động trơn tru của EU" trong bối cảnh Ủy ban châu Âu loại trừ bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách Brexit. Một tuyên bố từ văn phòng của Tổng thống Pháp nêu rõ: "Các nguyên tắc của EU sẽ tiếp tục được áp dụng, trong đó ưu tiên cho hoạt động trơn tru của EU, và điều này đòi hỏi phải được làm rõ nhanh chóng. Tại thời điểm phải đưa ra một lựa chọn quan trọng, việc bỏ phiếu bác bỏ mà không đưa ra một dự án thay thế sẽ dẫn đến sự bế tắc".

Dù khả năng "Brexit cứng" có thể trở thành hiện thực, song nhiều nước vẫn tin rằng thỏa thuận với Anh chưa "chết" mà chỉ được tạm gác lại vì nếu London muốn bắt đầu các cuộc đàm phán thiết lập quan hệ thương mại với EU, Chính phủ Anh sẽ phải tuân theo những điều khoản được ấn định trong thỏa thuận Brexit.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính trường Anh có thể "vững tay chèo" trước "cơn sóng cả"?