Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên

07/10/2019 19:38

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò, vị trí của thanh niên và đặc biệt quan tâm chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Chăm lo cho thế hệ trẻ là một trong những tư tưởng xuyên suốt của Bác Hồ

Thực hiện di huấn của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo, bồi dưỡng và đặt niềm tin vào thanh niên trong mọi giai đoạn cách mạng.

“Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò to lớn của thanh niên và thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1925, trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người kêu gọi: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh” (1). Lời nhắn gửi đó đã mang lại một luồng gió mới, thu hút nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước đi theo con đường cách mạng.

Đặt niềm tin lớn vào thế hệ thanh niên, Người nêu rõ: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên (2). Người luôn dành nhiều tình cảm đối với các thế hệ thanh niên vì đây là lớp người tiếp sức cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người dìu dắt thế hệ thanh nhiên tương lai (nhi đồng); là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hoá, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội; là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ đang hăng hái giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc...

Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của thế hệ hệ trẻ đối với tương lai của đất nước và dân tộc, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã dành nhiều công sức và tình cảm trong việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng. Người đã cùng với Đảng ta trực tiếp tổ chức công tác đào tạo, rèn luyện, đồng thời tự mình nêu gương sáng về mọi mặt để thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Bên cạnh đó, Người cũng nhắc nhở thế hệ trẻ phải biết tự rèn luyện, nỗ lực vươn lên: “Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình”(3). Người căn dặn: “Ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo… có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hàng ngày. Đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến” (4). Các thế hệ thanh niên phải vừa kế thừa phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên phải xung phong tới những nơi khó khăn, gian khổ nhất, nơi nào người khác làm không thành công, làm ít hiệu quả thì thanh niên phải xung phong làm cho tốt.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (5). Người nhấn mạnh: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên" (6).

Xứng đáng với sự tin yêu của Bác

Thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người.

50 năm qua, Đảng ta đã triển khai nhiều nghị quyết, chủ trương về công tác thanh niên, giáo dục thế hệ trẻ và đạt những kết quả tốt, tiêu biểu như: Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015- 2030”. Hệ thống pháp luật, công tác quản lý nhà nước về thanh niên ngày càng được hoàn thiện và phát triển hơn.

Với vai trò là trường học xã hội của thanh niên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn phấn đấu không ngừng xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Người, làm tốt công tác giáo dục tư tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, làm tốt công tác đoàn kết, tập hợp giáo dục đoàn viên thanh niên. Cùng với đó, công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống thế hệ trẻ cũng luôn được gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm… Thông qua các hoạt động giáo dục, các phong trào thi đua yêu nước đã tạo môi trường để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong thời chiến, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", phong trào “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc và “Năm xung phong” ở miền Nam là những minh chứng hào hùng về lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, lòng kiên trung và ý chí quyết tâm của thanh niên Việt Nam.

Sau ngày toàn thắng, non sông thống nhất, đất nước bước vào công cuộc tái thiết, đoàn viên, thanh niên cả nước lại bắt tay vào những nhiệm vụ mới. Khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục là ngọn đuốc soi đường cho thanh niên. Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, các bạn trẻ đã tình nguyện đi xây dựng kinh tế mới, thi đua lao động vượt mức kế hoạch, thi đua tiết kiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật... cùng với cả nước vượt qua khủng khoảng kinh tế xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, tuổi trẻ Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các phong trào: “Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”, “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị”...  Trong đó phải kể đến Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè mà đến nay sau 20 năm triển khai thực hiện đã trở thành trường học thực tiễn phong phú, sinh động để thanh niên Việt Nam trải nghiệm, trưởng thành. Trải qua 20 năm triển khai, đến nay Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè đã trở thành phong trào rộng lớn trong thanh niên, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn, thành thị, nâng cao đời sống kinh tế-xã hội, văn hóa của nhiều địa phương, khai phá và phát triển nhiều vùng đồi núi, các xã vùng biên, đảo tiền tiêu; góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Qua 20 năm triển khai chiến dịch, đã có 672.724 công trình thanh niên được thực hiện với tổng kinh phí 4.000 tỷ đồng; sửa chữa và làm mới 287.190 km đường giao thông nông thôn, sửa chữa 182.279 nhà dân, xây dựng mới 67.431 nhà dân; tổ chức 21.373 đội hình tư vấn, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tư vấn chữa bệnh cho 14 triệu người dân, khám chữa bệnh miễn phí cho 5 triệu người dân; tổ chức hiến máu nhân đạo thu hút 2 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia, thu được 1,8 triệu đơn vị máu…

Nhìn lại 50 năm thực hiện Di chúc của Bác về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, có thể thấy rằng, việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người vừa “hồng”, vừa “chuyên” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội. Trách nhiệm ấy đã được cụ thể hóa thành những chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể, phù hợp và được thực hiện thường xuyên, kiên trì.

(1): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tập 2, tr.133

(2), (3): Sđd, tập 5, tr.185

(4): Sđd, tập 10, tr.104

(5), (6): Sđd, tập 12, tr.510

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên