Chính sách đảo ngược về các khu định cư Do Thái của Mỹ tiếp tục khoét sâu sự chia rẽ ở Trung Đông

20/11/2019 13:14

Mỹ vừa tuyên bố ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng.

Đây là động thái mới nhất cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Israel, làm gia tăng căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và người Palestine và khoét sâu sự chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống ở châu Âu.


Bạo lực bùng phát ở khu Bờ Tây

Chính sách định cư người Do thái

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967, Nhà nước Do Thái Israel đã chiếm đóng phần lớn Cao nguyên Golan, sáp nhập và mở rộng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn tại Trung Đông, trong đó có Bờ Tây. Nhiều thập kỷ sau cuộc chiến, tiến trình hòa bình Trung Đông luôn rơi vào bế tắc, mà nguyên nhân chính là quy chế của thành phố linh thiêng Jerusalem và các khu định cư Do Thái. 

Các khu định cư Do Thái của Israel ở Bờ Tây luôn là tâm điểm căng thẳng giữa Israel và Palestine. Tới nay, Israel đã sắp xếp cho khoảng 400.000 người Do Thái ở các khu định cư ở Bờ Tây và 200.000 người khác sống ở Đông Jerusalem. Trong khi hiện có khoảng 2,5 triệu người Palestine sống ở Bờ Tây. 

Phía Palestine cho rằng sự hiện diện của các khu định cư khiến viễn cảnh thành lập một quốc gia độc lập ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza trong tương lai là điều không thể. Đáp lại, Israel khẳng định rằng người Palestine đang tận dụng vấn đề định cư như cái cớ để tránh các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp và rằng các khu định cư không phải là trở ngại thực sự cho hòa bình và hoàn toàn có thể thương lượng. Israel còn cho rằng các khu định cư là cần thiết cho an ninh của nước này và người Palestine phải công nhận quyền tồn tại của Israel nếu có một hòa ước.

Các hoạt động mở rộng các khu định cư cho người Do Thái của Israel đã gây ra sự phản đối lớn từ những người Palestine, làm bùng lên các cuộc biểu tình và những vụ tấn công của người Palestine nhằm vào người Israel trong nhiều thập kỷ qua.  

Từ năm 2009, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã liên tục gây sức ép buộc Chính phủ Israel phải ngừng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây và khôi phục lại tiến trình hòa bình với Palestine.

Mặc dù vậy, Tel Aviv vẫn tiếp tục cho phép xây dựng tại khu định cư ở Đông Jerusalem, song song với đó, chính quyền Israel tiếp tục thông qua kế hoạch xây dựng thêm các khu nhà định cư tại các vùng lãnh thổ tranh chấp với Palestine. Các bước đi như thế khiến tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine “lâm vào ngõ cụt”.

Mỹ luôn "thiên vị" Israel

Ngày 11.9, Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố sẽ là một bước đi lịch sử nếu Israel áp đặt chủ quyền đối với vùng lãnh thổ tranh chấp tại Bờ Tây. Kế hoạch của ông Netanyahu sẽ mở rộng chủ quyền của Israel qua Thung lũng Jordan và phía Bắc của Biển Chết, chiếm 1/3 diện tích khu Bờ Tây, trừ những thành phố của người Palestine trong khu vực như Jechiro. Thủ tướng Netanyahu gọi bước đi này là "cơ hội lịch sử" để mở rộng chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây.

Tuyên bố này nếu được hiện thực hóa, sẽ đặt dấu chấm hết cho giải pháp hai nhà nước và xóa bỏ mọi nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Israel-Palestine, đồng thời khoét sâu những bất đồng và thậm chí sự thù địch giữa các nước Arab với Israel vốn đã kéo dài nhiều năm qua.

Động thái này có nguy cơ làm xói mòn các nghị quyết, hiệp ước quốc tế, làm suy yếu luật pháp quốc tế. Đồng thời có thể một lần nữa kích động làn sóng bài Do Thái ở không chỉ các vùng lãnh thổ của Palestine mà có thể lan rộng khắp các nước ở Trung Đông và rộng hơn có thể là cả thế giới Hồi giáo và Arab. 

Giới phân tích khu vực cho rằng, tuyên bố sáp nhập của Nhà nước Do thái một phần xuất phát từ những động thái "thiên vị với Israel" của Mỹ. Điều này đã được thể hiện một cách rõ nét nhất kể từ khi Tổng thống Mỹ Trump lên nắm quyền năm 2017.

Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã thực hiện nhiều bước đi gây tranh cãi, đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực Trung Đông so với chính quyền tiền nhiệm, thậm chí là kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay khi công nhận Jerusalem - thánh địa gây tranh cãi giữa Israel và Palestine - là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem, một thành phố tranh chấp mà người Palestine gọi phần phía Đông là thủ đô của nước Palestine tương lai; đóng cửa Văn phòng phái đoàn đại diện Palestine tại Washington; cắt khoản hỗ trợ cho Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine…

Đặc biệt, Kế hoạch hòa bình Trung Đông do Washington soạn thảo, hay còn được gọi là "Thỏa thuận thế kỷ” sẽ phá vỡ những nguyên tắc lâu nay về các vấn đề như Jerusalem và các khu định cư Do Thái, và điều này đương nhiên là có lợi cho Israel. Theo truyền thông Mỹ, bản kế hoạch này có thể "không bao gồm một Nhà nước Palestine với chủ quyền đầy đủ và tách biệt". Thay vào đó, Israel sẽ duy trì quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ "tự trị" của Palestine. Bản kế hoạch cũng sẽ không bao gồm giải pháp “hai nhà nước” làm nền tảng cho các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine. 

Do các động thái chính sách được coi là “bảo trợ ngầm” của chính quyền Tổng thống Trump với ông Netanyahu, lâu nay, các quan chức Palestine đã bác bỏ vai trò trung gian hòa bình trung lập của Mỹ trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông nào.

Đảo ngược chính sách về các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây 

Trong động thái mới nhất về sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Israel, ngày 18.11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng.

Ông Pompeo khẳng định: “Sau khi nghiên cứu kỹ tất cả các khía cạnh của cuộc tranh cãi pháp lý này, chính quyền Mỹ nhất trí rằng việc xây dựng các khu định cư dân sự của Israel ở Bờ Tây, về bản chất, không phải không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Ngoại trưởng Pompeo cũng trích dẫn đánh giá năm 1981 của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan rằng các khu định cư không phải “vốn đã bất hợp pháp”, đồng thời cho biết chính phủ Mỹ không bày tỏ quan điểm về tình trạng pháp lý của bất kỳ khu định cư riêng lẻ nào, hoặc giải quyết hoặc đánh giá về tình trạng cuối cùng của khu vực Bờ Tây.

Theo một quan chức chính quyền, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phối hợp với nhóm hòa bình của Nhà Trắng, do con rể của Tổng thống Trump là Jared Kushner dẫn đầu, đã làm việc trong gần một năm qua để đưa ra quyết định thay đổi lập trường về các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.

Tuyên bố này đánh dấu sự đảo ngược chính sách của Mỹ trong vòng 40 năm qua đối với các khu định cư của Israel khi bác bỏ quan điểm pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1978 cho rằng các khu định cư "không phù hợp với luật pháp quốc tế".

Còn theo một số nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các khu định cư Do Thái bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế khi chúng vi phạm Công ước Geneva thứ tư về việc cấm nước chiếm đóng được đưa dân cư của mình tới khu vực mình chiếm đóng.

Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tuyên bố Mỹ không còn coi các khu định cư Do Thái là “không phù hợp với luật pháp quốc tế”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sự thay đổi chính sách của Mỹ khi coi các khu định cư Do Thái không phải là hành động phi pháp “đã sửa chữa sai lầm lịch sử".

Ông Netanyahu cho biết chính sách mới này phản ánh một sự thật lịch sử là người Do Thái không phải là kẻ thực dân chiếm đóng Judea và Samaria, tên gọi trong Kinh Thánh cho Bờ Tây. Theo ông, họ được gọi là người Do Thái bởi vì họ là người dân của vùng đất Judea.

Khoét sâu sự chia rẽ

Phản ứng trước tuyên bố của Mỹ, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudaineh đã lên án hành động này của Mỹ “trái ngược hoàn toàn với luật pháp quốc tế” và Mỹ đã đánh mất uy tín và không thể đóng bất kỳ vai trò nào trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông khẳng định quan điểm mới của Mỹ là “không có giá trị, không thể chấp nhận và sẽ bị lên án”.

Ông Hanan Ashrawi, nhà đàm phán kỳ cựu và là thành viên Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho rằng hành động này là cú đấm khác vào luật pháp quốc tế, công lý và hòa bình.

Ngoại trưởng Jordan Ayman Safari cảnh báo sự thay đổi lập trường của Mỹ về các khu định cư của Israel ở Bờ Tây sẽ gây ra “những hậu quả nghiêm trọng” đối với triển vọng hòa bình Trung Đông.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Safari bình luận rằng các khu định cư Do Thái ở vùng lãnh thổ trên là bất hợp pháp và làm tiêu tan triển vọng giải pháp 2 nhà nước mà các quốc gia Arab xem là giải pháp duy nhất giải quyết cuộc xung đột Arab-Israel kéo dài nhiều thập kỷ qua.

Việc Mỹ thay đổi lập trường về các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây cũng đã đặt Washington vào thế bất hòa với Liên minh châu Âu (EU). EU khẳng định lập trường của khối này đối với hoạt động định cư của Israel tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cho rằng hoạt động này là bất hợp pháp chiểu theo luật quốc tế.

Trong một tuyên bố, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nêu rõ lập trường trên của EU là rõ ràng và nhất quán. Bà Mogherini nhấn mạnh chính sách định cư của Israel "làm xói mòn triển vọng giải pháp 2 nhà nước cũng như triển vọng cho một nền hòa bình lâu dài". EU kêu gọi Israel chấm dứt hoạt động định cư cũng như tuân thủ các nghĩa vụ của nước này.  

Có thể thấy, tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đang lâm vào “ngõ cụt” chưa có đường thoát, nay với tuyên bố thay đổi lập trường về các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây của Mỹ, chắc chắn sẽ lại đối mặt thêm nhiều thử thách.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách đảo ngược về các khu định cư Do Thái của Mỹ tiếp tục khoét sâu sự chia rẽ ở Trung Đông