Năng suất lao động là một yếu tố cạnh tranh tốt trong phát triển kinh tế.
Cải thiện năng suất lao động giúp các doanh nghiệp của Hải Dương tăng sức cạnh tranh
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và dự kiến kế hoạch, giải pháp cho năm 2023 diễn ra cuối tháng 10.2022 có một con số khiến nhiều người suy ngẫm, đó là tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) trong năm 2022 của nước ta ước đạt 4,7-5,2%, không đạt mục tiêu đề ra là 5,5%.
Thực tế là NSLĐ của Việt Nam đang kém so với nhiều nước trong khu vực. Việt Nam đang thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 3 lần so với Thái Lan. Ngay cả với Campuchia, NSLĐ ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, vận tải, kho bãi, truyền thông của nước ta cũng xếp sau. Nếu chậm chân cải thiện NSLĐ, các doanh nghiệp sẽ chịu nhiều thua thiệt.
Chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng may mặc tại xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) chia sẻ câu chuyện, đầu tháng 9 vừa qua doanh nghiệp đã lỡ một đơn hàng lớn với đối tác chỉ vì thời gian giao hàng không cạnh tranh được với một doanh nghiệp của Thái Lan. Doanh nghiệp Thái Lan cam kết giao hàng trong 2 tháng, trong khi doanh nghiệp của anh phải mất 3 tháng (đã tính cả việc tăng ca liên tục trong 3 tháng). Anh nhận định, ngoài việc đầu tư máy móc hiện đại thì NSLĐ của Thái Lan ổn hơn Việt Nam rất nhiều.
Nhận thức rõ về ý nghĩa của việc tăng NSLĐ, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013 - 2020”. Theo đề án, ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh nâng cao chất lượng sản phẩm còn góp phần cải thiện NSLĐ.
Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây, NSLĐ của Hải Dương vẫn chưa được nâng lên. Nguyên nhân trước hết xuất phát từ nguồn lao động đã qua đào tạo của tỉnh cung ứng cho các doanh nghiệp còn ít. Doanh nghiệp buộc phải tuyển dụng lao động phổ thông, mà lực lượng này phải mất rất nhiều thời gian đào tạo, nâng cao tay nghề.
Ngoài chất lượng nhân lực, cũng có không ít chủ doanh nghiệp chưa đầu tư xứng tầm cho đổi mới công nghệ, vẫn tận dụng nguồn nhân công giá rẻ để tạo sức cạnh tranh cho các đơn hàng. Chính sách trả lương cho người lao động cũng chưa khuyến khích được họ tăng hiệu suất làm việc.
Để tăng NSLĐ, ngoài ý thức của người lao động, cần có sự thay đổi của chính chủ doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp của tỉnh đã cải thiện đáng kể được NSLĐ thông qua việc giao khoán sản phẩm cho người lao động. Một số doanh nghiệp làm khá tốt việc này như các Công ty: TNHH Formostar Việt Nam, TNHH May Đồng Tâm, CP May Hải Anh... Khi được giao khoán sản phẩm, người lao động bớt sức ỳ trong sản xuất; tích cực nâng cao tay nghề, cải thiện NSLĐ để có thu nhập tốt.
Hải Dương đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Tỷ lệ dân số có độ tuổi từ 15-64 của tỉnh chiếm trên 60% dân số. Việc nâng cao NSLĐ thời điểm này sẽ tạo ra cơ hội lớn để lao động của tỉnh có thể cạnh tranh với lao động ngoài tỉnh, ngoài nước. Đây cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp Hải Dương tăng sức cạnh tranh, ký kết được nhiều đơn hàng lớn.
Trong phát triển kinh tế, NSLĐ là một yếu tố cạnh tranh tốt. Việc đầu tư tăng NSLĐ giai đoạn hiện nay là vấn đề cần sớm được tỉnh quan tâm.
HẢI MINH