Phát triển ngành công nghiệp chế biến sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản, tránh tình trạng phải "giải cứu" hoặc được mùa rớt giá nông sản như thời gian qua.
Những ngày qua, bánh mỳ thanh long của ông "vua bánh mì Việt" Kao Siêu Lực ở TP Hồ Chí Minh góp phần "giải cứu" nông sản trong mùa dịch bệnh đã được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận. Khách phải xếp hàng chờ mua, bánh ra lò mẻ nào bán hết ngay mẻ đó.
Công thức ông Lực làm loại bánh này cũng khá đơn giản. Ông chỉ cần giảm 80% lượng nước trong mẻ bột bánh mỳ, thay bằng 60% lượng thanh long ruột đỏ xay nhuyễn, thêm sữa, đường, bột, men nhồi rồi ủ bột... Trái thanh long có đường trái cây và vị chua nên phải thay đổi công thức, sau vài lần thất bại và 3 ngày thử nghiệm, mẻ bánh mỳ thanh long đầu tiên đã ra lò.
Qua chiếc bánh mỳ thanh long tôi thấy đây không chỉ là việc "giải cứu" nông sản mà là câu chuyện của cả ngành công nghiệp chế biến.
Một lần được đến Hàn Quốc, tôi khá ấn tượng khi được các hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về cách làm nông nghiệp của người dân nơi đây. Ở đất nước này, sản xuất nông nghiệp luôn gắn chặt với công nghiệp chế biến.
Chẳng hạn như đối với củ cà rốt, ngoài sử dụng làm thực phẩm như rau trong bữa ăn hằng ngày, người Hàn Quốc còn làm nước ép, cà rốt sấy khô, mứt cà rốt. Thậm chí cà rốt còn được chiết xuất thành son môi... Vì thế mà người dân nơi đây ít khi phải lo chuyện nông sản dư thừa, phải kêu gọi giải cứu. Điều này cũng cho thấy công nghiệp chế biến ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.
Tại hội nghị công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp mới đây, ngoài việc chỉ ra những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ những hạn chế, yếu kém của ngành chế biến nước nhà cũng như hệ lụy nếu như ngành công nghiệp chế biến chậm phát triển.
Theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có hơn 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm, tập trung ở 28 tỉnh, thành phố. Tại Hải Dương, ngành công nghiệp chế biến có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa phát triển xứng tầm. Sản lượng nông sản qua chế biến còn thấp.
Cơ hội để Hải Dương phát triển ngành công nghiệp chế biến khá lớn. Trước hết địa phương có nhiều vùng trồng rau màu quy mô lớn, tập trung. Tỉnh cũng đã có nhiều chương trình, đề án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến. Không ít nhà đầu tư đã tìm đến Hải Dương mong muốn được hợp tác chế biến nước ép ổi hay cà rốt để xuất khẩu. Tỉnh ta cũng có một số doanh nghiệp chế biến dưa chuột muối, hành sấy, cà rốt khô... Những sản phẩm này đã đứng được ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu...
Theo Đề án "Quy hoạch cơ sở bảo quản, chế biến nông sản tỉnh Hải Dương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030", đến năm 2030, tỉnh ta sẽ có 667 cơ sở chế biến thịt gia súc, gia cầm, 41 cơ sở sơ chế rau, củ, quả, 1.642 cơ sở chế biến rượu, 1.205 cơ sở sấy nông sản... Để đạt được mục tiêu này, trước hết cần phải quy hoạch ngành công nghiệp chế biến gắn với sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời cần quan tâm tới sản lượng, chất lượng nông sản. Những vựa cà rốt ở Nam Sách, Cẩm Giàng, rau vụ đông ở Gia Lộc, hành tỏi ở Kinh Môn; các vùng trồng ổi, vải ở Thanh Hà hay các vùng nuôi thủy sản tập trung ở nhiều nơi trong tỉnh cần được đầu tư bài bản, theo quy trình sản xuất sạch, hiện đại, có sản lượng ổn định và chất lượng tốt.
Cùng việc quan tâm đến chất lượng nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến, mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp cũng cần được xây dựng bài bản, tránh tình trạng các doanh nghiệp chế biến trong tỉnh lại phải sang các địa phương khác thu mua nguyên liệu.
Trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết có nhiều ưu đãi đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nhiều nước. Vì vậy, Hải Dương cần nắm bắt ngay cơ hội này để phát triển ngành công nghiệp chế biến, góp phần nâng cao giá trị nông sản.
HẢI MINH