Chí Linh "tam đạo"

23/01/2023 09:25

Trong suốt chiều dài nhiều thế kỷ, mảnh đất Chí Linh hội tụ đủ "tam đạo" hay "tam giáo đồng nguyên", gồm đạo Phật, Nho giáo (đạo Nho) và Đạo giáo.


Kiếp Bạc - nơi Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương đóng quân trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, từ đây hình thành tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần nằm trong hệ thống đạo thờ thần Việt Nam và chịu ảnh hưởng rõ nét của Đạo giáo. Ảnh: MAI ANH

"Tam giáo đồng nguyên"

Dãy Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều. Sườn đông Yên Tử thuộc Quảng Ninh, một phần thuộc Hải Dương và tây Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang. Trong các triều đại, các tôn giáo, học thuyết phát triển mạnh mẽ, nhưng qua nhiều nguồn sử liệu, chỉ mảnh đất Chí Linh hội đủ "tam giáo đồng nguyên". Nếu Yên Tử (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) gắn với Phật giáo, thì vùng đất Chí Linh, không chỉ có Phật giáo, Nho giáo mà Đạo giáo còn biểu hiện rõ nét và duy trì, tồn tại trong đời sống cộng đồng, gắn chặt với hệ thống di tích, nhân vật cụ thể.

Ngũ Nhạc Linh Từ - đền thiêng trên núi Ngũ Nhạc thuộc hệ thống di tích gắn liền với Đạo giáo. 5 ngôi miếu được xây dựng trên 5 đỉnh núi. Ngũ Nhạc vốn là tên gọi chung của 5 ngọn núi nổi tiếng của Trung Quốc xuất hiện từ thời Hán Vũ Đế (từ thế kỷ II - I trước công nguyên). Truyền thuyết kể rằng, những ngọn núi này là những vùng đất phúc mà thần tiên ngự trị. Theo thuyết của Đạo giáo, mỗi đỉnh Ngũ Nhạc đều có một nơi thờ các thần tự nhiên.

Thời gian bào mòn, miếu thờ trên đỉnh Ngũ Nhạc chỉ còn là những ban thờ lộ thiên bụi phủ. Năm 2006, 5 ngôi miếu trên núi Ngũ Nhạc được xây dựng lại đều quay về hướng nam, nơi có hồ Côn Sơn trong xanh. Đường lên núi dài 1,8 km, được xây dựng bằng đá xanh khai thác ở núi Nhồi (Thanh Hóa). Núi Ngũ Nhạc và hệ thống miếu thờ đã trở thành một phần không thể tách rời, làm phong phú thêm các giá trị về văn hóa, lịch sử lâu đời của quần thể khu di tích Côn Sơn.

Nếu núi Ngũ Nhạc tồn tại trong dòng chảy của Đạo giáo thì ở vùng đất Chí Linh còn có một con người gắn chặt cả cuộc đời và sự nghiệp, trở thành một tín ngưỡng dân gian. Đó là tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương, tên thật là Trần Quốc Tuấn (1231-1300).

Ông là một vị tướng lẫy lừng, tổng chỉ huy quân và dân Đại Việt trong 2 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông. Mặc dù sinh ra ở phủ Thiên Trường (Nam Định), song tên tuổi của ông gắn liền với mảnh đất Vạn Kiếp. Khi ông nằm xuống và hóa thánh trong tiềm thức dân gian cũng ở mảnh đất này. Là một nhân vật có thật, song trong tâm thức dân gian, ông là một vị thánh bảo hộ giang sơn, tiễu trừ tà ma, chữa bệnh cho dân lành.

Một chi tiết gắn với truyền thuyết về Đức Thánh Trần, biểu hiện của Đạo giáo rõ nét đó là cuộc chiến giữa ngài và giặc Phạm Nhan diễn ra theo trận đồ bát quái. Đức Thánh Trần thường gắn với thanh kiếm thần - biểu tượng của một võ quan nhưng cũng là biểu tượng của một đạo sĩ, một vật biểu trưng thường có trong Đạo giáo. Cuộc đấu trí, đấu lực giữa ngài và Phạm Nhan như cuộc đấu giữa 2 đạo sĩ và phần thắng đã thuộc về người có quyền lực siêu phàm hơn.

Văn - võ song toàn

Cũng gắn với mảnh đất Chí Linh, Pháp Loa tôn giả và Huyền Quang tôn giả là 2 môn đệ của Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông. 2 vị là tổ thứ hai và thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Đây là thiền phái thống nhất toàn bộ các dòng thiền trước đó và toàn bộ giáo hội Phật giáo thời Trần về một mối.

Pháp Loa tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh năm 1284 tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, Nam Sách Giang, nay thuộc phường Ái Quốc (TP Hải Dương). Năm 1307, ông thừa kế sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm và trở thành vị tổ thứ hai. Pháp Loa thiền sư là một học giả, nhà hoạt động chính trị, nhà văn hóa, tác giả văn học, nhà tư tưởng có nhiều đóng góp cho sự tiếp nối tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Trong Thiền phái Trúc Lâm, nếu như Trần Nhân Tông là người kiến tạo thì Pháp Loa là người kế tục, triển khai. Năm 1330, thiền sư mất tại chùa Thanh Mai.

Vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm gắn liền với chùa Côn Sơn là Huyền Quang tôn giả. Ông tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254, quê ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh ngày nay). Huyền Quang đỗ đầu các kỳ thi Hương, thi Hội, năm 28 tuổi đỗ Trạng nguyên. Sau khoảng 20 năm làm quan, ông từ một nhà Nho, học vấn hơn người đã trở thành vị thiền sư uyên bác, tinh thông đạo lý khi quyết định xuất gia tu hành, về trụ trì chùa Thanh Mai và chùa Hun (chùa Côn Sơn). Tương truyền tại đây, ông là người có công tìm ra Giếng Ngọc, mở mang không gian chùa và xây dựng nhiều kiến trúc. Năm 1334, ông viên tịch và xá lỵ được táng trong tháp sau chùa Côn Sơn.

Nếu Pháp Loa và Huyền Quang là 2 vị thiền sư kế tục và phát triển xuất sắc thiền phái của Phật giáo thì Chu Văn An và Nguyễn Trãi lại là 2 nhà Nho lỗi lạc. Chu Văn An là "ngọn tuệ đăng bất tử", "thầy giáo của muôn đời" thì Nguyễn Trãi là "Ức Trai, lòng sáng tựa sao Khuê".

Thầy giáo Chu Văn An, sinh năm 1292 tại huyện Thanh Đàm, nay thuộc Thanh Trì (Hà Nội). Có tư chất thông minh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học. Đến thời vua Trần Minh Tông (1314-1329), ông được mời đến Thăng Long giữ chức Tư nghiệp (hiệu trưởng) Quốc Tử Giám. Đến đời vua Trần Dụ Tông, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên nịnh thần nhưng vua không nghe nên đã từ quan về núi Phượng Hoàng (Chí Linh) ở ẩn. Tại đây ông tiếp tục dạy học cho đến những năm cuối đời. Ngày nay, đền thờ Chu Văn An trở thành một trong những biểu tượng về truyền thống tôn sư, trọng đạo, là điểm đến của các thế hệ học trò khắp các tỉnh thành.


Không chỉ là một nhà Nho uyên bác, Nguyễn Trãi còn là nhà tư tưởng lớn, nhà chính trị lỗi lạc, nhà chiến lược quân sự tài ba, nhà văn hoá kiệt xuất. Trong ảnh: Đền thờ Nguyễn Trãi luôn là địa chỉ được du khách thập phương tìm đến 

Không chỉ là một nhà Nho uyên bác, Nguyễn Trãi còn là nhà tư tưởng lớn, nhà chính trị lỗi lạc, nhà chiến lược quân sự tài ba, nhà văn hóa kiệt xuất, với tư tưởng “Lấy chí nhân thay cường bạo, đem đại nghĩa thắng hung tàn”. Sinh sống và được ông nội nuôi dưỡng từ thuở thiếu thời ở đất Côn Sơn, ông trở thành linh hồn cuộc kháng chiến chống giặc Minh, rồi chịu bản án oan khuất bậc nhất trong lịch sử cũng tại Côn Sơn. Ông xứng đáng được tôn vinh là Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, là niềm tự hào của Việt Nam không chỉ ở thế kỷ XV mà mãi mãi về sau.

CẨM LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chí Linh "tam đạo"