Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội 'tiếp tay' cho Nhật Cường thế nào?

29/12/2019 09:24

Ngày 28.12, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc với ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội.


Cơ quan điều tra Bộ Công an khám xét nhà riêng ông Tứ chiều 28.12 

Cùng với ông Tứ, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch - đầu tư (KHĐT) Hà Nội.

Cả hai bị can cùng bị điều tra về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015. Chiều cùng ngày, Bộ Công an đã khám xét nhà riêng ông Tứ tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông. Ông Tứ không có mặt tại cuộc khám xét.

Nhật Cường được "trải thảm"

Việc khởi tố hai bị can này là diễn biến mới nhất quá trình Bộ Công an điều tra mở rộng vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Sở KHĐT TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Mới đây nhất, cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Tiến Học, nguyên Phó Giám đốc Sở  KHĐT Hà Nội, Phạm Thị Kim Tuyến, trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở KHĐT và Lê Duy Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh. Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Sai phạm của ông Tứ được xác định xảy ra tại thời điểm ông này làm Giám đốc Sở KHĐT. Từ năm 2016, ông Tứ đã ký quyết định phê duyệt gói thầu "Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội năm 2016", với giá trị gần 43 tỷ đồng, nguồn vốn chi từ sự nghiệp khoa học công nghệ. Ông Tứ giao cho trưởng phòng đăng ký kinh doanh số 1 và chánh văn phòng sở chịu trách nhiệm triển khai bằng hình thức đấu thầu rộng rãi.

Tuy nhiên trước thời điểm mở thầu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo tạm dừng gói thầu. Sau đó, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho sở được tiếp tục triển khai đấu thầu. Việc mở thầu lại chưa được thực hiện thì Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) đã đề nghị với sở được thực hiện thí điểm số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Tháng 11.2016, Sở KHĐT Hà Nội tiếp tục mở lại gói thầu với sự tham gia của Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường và Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh. Liên danh này đã ghi giá dự thầu là 42.890 triệu đồng, thấp hơn giá chào thầu 42.910 triệu và trúng thầu. Tiếp đó, quá trình thương thảo hợp đồng, nhà thầu Nhật Cường - Đông Kinh đã "đồng ý giảm giá hơn 1 triệu đồng so với giá chào thầu" cho chủ đầu tư là Sở KHĐT Hà Nội. 


Ông Nguyễn Văn Tứ và bà Phạm Thị Thu Hường. Ảnh: Công an cung cấp

Trúng nhiều gói thầu

Tháng 12.2016, liên danh Công ty Nhật Cường - Đông Kinh đã ký hợp đồng kinh tế thực hiện gói thầu "Số hóa hồ sơ, tài liệu đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội năm 2016". Thời gian thực hiện hợp đồng là 265 ngày. Tuy nhiên Sở KHĐT đã nhiều lần gia hạn, liên danh Nhật Cường - Đông Kinh được "ưu ái" kéo dài thời gian thực hiện gói thầu gấp đôi so với hợp đồng.

Nhật Cường Software (được thành lập và hoạt động chính thức từ năm 2016) đã trúng thầu nhiều dự án lớn về công nghệ của Hà Nội như: cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp...

Giống như Nhật Cường, thời gian gần đây Công ty Đông Kinh cũng trúng hàng loạt gói thầu số hóa dịch vụ công của các bộ, ngành. Trong vụ án Nhật Cường, ông Lê Duy Tuấn, Giám đốc kinh doanh của Công ty Đông Kinh đã bị khởi tố bắt giam.

UBND TP Hà Nội cung cấp gì cho cơ quan điều tra?

Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị phối hợp, đôn đốc chỉ đạo cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra. Cơ quan cảnh sát điều tra thông tin quá trình điều tra được biết Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software đã xây dựng, đang quản trị một số phần mềm được ứng dụng trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội. Kết quả điều tra đến nay xác định Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software hoạt động chủ yếu trên các nguồn tiền bất hợp pháp.

Ngày 4.12, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản trả lời công văn của cơ quan cảnh sát điều tra. Theo đó, trên cơ sở kết quả triển khai đạt yêu cầu đặt hàng của thành phố, phiên bản phần mềm năm 2016 đã được Sở Thông tin và truyền thông ký kết hợp đồng số 68. Trong đó, các nội dung đã thực hiện gồm: cổng dịch vụ công trực tuyến; phần mềm ngành giáo dục: tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, sổ liên lạc điện tử có kết nối, khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu dân cư của Công an Hà Nội...

Cuối tháng 11, khi Bộ Công an khởi tố nguyên Phó Giám đốc Sở KHĐT, trả lời báo chí về những phần mềm về giáo dục và y tế do Nhật Cường Software trúng thầu xây dựng đang được sử dụng trên địa bàn có hiệu quả thế nào và còn hoạt động hay không, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND TP Hà Nội, cho biết các phần mềm này vẫn đang được sử dụng. Về hiệu quả, ông Bình nói sẽ xem lại những báo cáo đánh giá về những phần mềm này.

Đã khởi tố và tạm giam hơn 10 bị can

Liên quan vụ án Nhật Cường, hiện cơ quan điều tra đã khởi tố và tạm giam hơn 10 bị can, trong đó có 4 người thuộc Sở KHĐT.

Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy bị xác định cầm đầu đường dây nhập lậu thiết bị điện tử quy mô lớn, giấu doanh thu hàng nghìn tỉ đồng. Ông Huy bị khởi tố về ba tội: buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và rửa tiền, đã trốn khỏi Việt Nam và bị truy nã quốc tế.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định Bùi Quang Huy có hành vi sử dụng tiền do phạm tội buôn lậu đưa vào Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software, hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi, có dấu hiệu tội phạm "rửa tiền".

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội 'tiếp tay' cho Nhật Cường thế nào?