Chánh Văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Andrey Yermak, đang cố gắng thuyết phục các quan chức thân cận với ông Donald Trump rằng Kiev có thể ủng hộ các kế hoạch hòa bình của Tổng thống đắc cử Mỹ, thay vì trở thành trở ngại.
Tờ The Wall Street Journal hôm 4/12 đưa tin ông Yermak, “cánh tay phải” của nhà lãnh đạo Ukraine, đang đến Mỹ để gặp những nhân vật chủ chốt do ông Trump lựa chọn cho chính quyền tương lai.
Theo nguồn tin, Kiev đã sắp xếp các cuộc tiếp xúc giữa ông Yermak với bà Susie Wiles – người đồng quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump và đã được chọn làm Chánh văn phòng Nhà Trắng, ông Keith Kellogg - người được ông Trump lựa chọn làm đặc phái viên tại Ukraine, và ông Mike Waltz - cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền sắp tới.
Trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, ông Zelensky đã gây ra phản ứng dữ dội trong đảng Cộng hoà khi đến thăm một nhà máy vũ khí ở tiểu bang chiến trường Pennsylvania, nơi ông được đảng Dân chủ tiếp đón. Đảng Cộng hòa đã cáo buộc nhà lãnh đạo Ukraine vận động tranh cử cho đối thủ của họ. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã yêu cầu Kiev sa thải Đại sứ Ukraine tại Washington, người đã lên kế hoạch cho chuyến thăm.
Chuyến thăm Mỹ của ông Yermak diễn ra trong bối cảnh lực lượng Ukraine đang phải chịu tổn thất trên chiến trường và thiếu quân tiếp viện. Trong những phát biểu gần đây, ông Zelensky thừa nhận Ukraine không thể đánh bại Nga về mặt quân sự và bày tỏ mong muốn khôi phục quyền kiểm soát đối với tất cả các vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền thông qua các nỗ lực ngoại giao.
Theo kênh CNN, Kiev đã lệnh cho binh sĩ bám trụ khu vực Kursk của Nga bằng mọi giá cho đến khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Theo ước tính của Điện Kremlin, chiến dịch này đã khiến gần 38.000 binh sĩ Ukraine thương vong, nhằm mục đích đảm bảo một “quân bài mặc cả” trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Nhóm chuyển giao của ông Trump được cho là đã đề xuất đóng băng cuộc xung đột dọc theo tuyến đầu và đình chỉ nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine trong ít nhất một thập kỷ.
Trong diễn biến liên quan, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết phương Tây đang chuyển từ nỗ lực giúp Ukraine chiến thắng Nga trên chiến trường, sang cố gắng giành cho Kiev vị thế tốt nhất để đàm phán ngừng bắn.
Thông tin được đưa ra khi lực lượng Nga tiến vào Donbass với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ đầu năm 2022, đồng thời giành lại được quyền kiểm soát một phần tỉnh Kursk.
Theo Bloomberg, với việc Tổng thống đắc cử Trump chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ nhậm chức, các đồng minh NATO của Kiev đang cố gắng trấn an quân đội Ukraine khi tinh thần chiến đấu bắt đầu suy yếu.
Tuần qua, bộ trưởng ngoại giao từ các quốc gia NATO đã họp tại Brussels để thảo luận về cách cung cấp thêm vũ khí cho Kiev. Theo nguồn tin của Bloomberg, họ cũng bắt đầu xem xét các phương án khác nhau để chấm dứt xung đột, bao gồm thảo luận về những đảm bảo an ninh có thể bảo vệ Ukraine mà không gây căng thẳng với Moskva.
Những cuộc thảo luận này diễn ra trong bối cảnh có một số thừa nhận rằng tình hình ở Ukraine là không bền vững và các đàm phán sẽ sớm bắt đầu.
Một nhà ngoại giao cấp cao của NATO tiết lộ ý tưởng được đưa ra là tạo ra khu phi quân sự phân tách giữa phần lãnh thổ do Nga và Ukraine kiểm soát. Quân đội châu Âu sẽ chịu trách nhiệm về an ninh của khu vực này.
Ông Samuel Charap, nhà khoa học chính trị cấp cao tại tổ chức Rand, nói với Bloomberg rằng ngay cả khi Mỹ duy trì lộ trình viện trợ quân sự trong tương lai, thì những tổn thất gia tăng sẽ buộc Ukraine phải đàm phán vào năm tới.
“Ukraine không đủ nhân lực để ngăn chặn cuộc tấn công của Nga và phương Tây không còn nhiều vũ khí để cung cấp cho họ”, ông nói.
Trước đó, ông Trump đã tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraine thông qua các cuộc đàm phán. Tổng thống đắc cử nhiều lần tuyên bố rằng ông có thể giải quyết vấn đề này chỉ trong một ngày.
Về phần mình, các quan chức Nga cho rằng vấn đề này quá phức tạp để giải quyết bằng một giải pháp đơn giản như vậy.
Moskva tuyên bố sẽ không có cuộc đàm phán hòa bình nào diễn ra nếu lực lượng Ukraine vẫn ở khu vực Kursk. Các quan chức Nga cũng cho rằng ý định kết nạp Ukraine của NATO là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc xung đột hiện nay.
Hồi tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra các sáng kiến giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine: Moskva sẽ ngay lập tức ngừng bắn và tuyên bố sẵn sàng đàm phán sau khi quân đội Ukraine rút khỏi các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát. Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết Kiev phải từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO, thực hiện phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, đồng thời áp dụng quy chế trung lập, không liên kết và phi hạt nhân.
Tuy nhiên, sau khi Lực lượng vũ trang Ukraine tấn công khu vực Kursk của Nga, ông Putin tuyên bố không thể đàm phán với những người “tấn công bừa bãi vào dân thường, vào cơ sở hạ tầng dân sự, cố gắng tạo ra mối đe dọa đối với các cơ sở công nghiệp điện hạt nhân”.