Chậm trễ trong hỗ trợ lao động tự do

21/09/2021 10:32

Đến nay chưa có người lao động tự do gặp khó khăn do dịch Covid-19 nào nhận được khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng theo quyết định của UBND tỉnh.


Những người lái xe ôm ở quảng trường Độc Lập (TP Hải Dương) mong muốn nhận được hỗ trợ

Không biết được hỗ trợ

Anh Hoàng Kim T. ở khu dân cư Thống Nhất, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) là chủ một quán ăn tại nhà. Vợ anh T. là đầu bếp và cũng là người phục vụ. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra cho đến nay, rất nhiều lần hàng ăn phải tạm dừng hoạt động. So với các địa phương khác, những người bán hàng ăn ở Cẩm Giàng còn khó khăn hơn do huyện áp dụng các biện pháp chống dịch rất chặt chẽ. Ví dụ, huyện tạm dừng các hàng quán ven quốc lộ5, bán hàng ăn tại chỗ khi những địa phương khác vẫn cho hoạt động; tạm dừng bán đồ ăn mang về trước nhiều địa phương trong tỉnh. Anh T. có nghề mua bán cây cảnh nhưng do ảnh hưởng của dịch nên việc làm ăn cũng phải dừng lại, còn vợ thì lo việc nhà. Vì thế nhiều tháng nay, vợ chồng anh đều không có việc làm, không có thu nhập.

Nếu chiếu theo các quy định, anh T. và vợ thuộc diện "tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống; bị mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo theo quy định, trong thời gian từ ngày 1.5 - 31.12.2021, do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19 từ 14 ngày liên tục trở lên; cư trú hợp pháp tại địa phương" và mỗi người sẽ được nhận 1,5 triệu đồng. Thế nhưng, khi được hỏi, anh T. nói mình không biết sẽ được hưởng hỗ trợ.

Anh Mai Huy B. đang làm nghề lái xe ôm ở quảng trường Độc Lập (TP Hải Dương) cho biết vừa nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến phường Nguyễn Trãi. "Anh em cùng lái xe ôm nói chuyện nên tôi mới biết để làm hồ sơ, còn khi nào được nhận tiền thì cũng không biết. Mấy tháng nay có tháng tôi chạy xe ôm chỉ lãi được 300.000 đồng nên nếu được hỗ trợ càng sớm càng tốt", anh B. cho biết.

Không biết mình đủ điều kiện nhận hỗ trợ là tình trạng chung của rất nhiều lao động tự do, mà nguyên nhân chính do việc tuyên truyền ở cơ sở không thường xuyên liên tục, cán bộ cơ sở chưa tích cực rà soát, thống kê. Đây là nguyên nhân hầu hết Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính cấp huyện trong tỉnh chưa nhận được bất cứ hồ sơ của lao động tự do nào chuyển đến.

Tắc từ cơ sở

Quyết định về việc hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn do dịch Covid-19 của UBND tỉnh đã ban hành từ ngày 26.8. Một lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thanh Miện nói: "Chúng tôi đã triển khai những nội dung trên đến các xã, thị trấn ngay khi có quyết định của tỉnh, nhưng đến nay chưa nhận được hồ sơ nào". Tương tự, một cán bộ Phòng Tài chính huyện Cẩm Giàng cho biết chưa có hồ sơ của lao động tự do đề nghị hỗ trợ chuyển đến.

Khi phóng viên về các địa phương tìm hiểu, lãnh đạo 2 xã ở các huyện Cẩm Giàng, Thanh Miện xin nhận thiếu sót vì đã triển khai nhưng chậm trễ và đề nghị không nêu tên. Lý do 2 lãnh đạo nói trên đưa ra do "các địa phương tập trung chống dịch, cán bộ lao động, thương binh, xã hội chỉ có một người lại phải làm nhiều việc nên chưa tập hợp đủ hồ sơ để chuyển lên huyện".

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và quyết định của UBND tỉnh, ngay trong tháng 7 và tháng 8, sở đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương để tiến hành hướng dẫn các đối tượng thụ hưởng. Các chính sách như hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị do mắc Covid-19 hoặc cách ly y tế; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương... đã triển khai liên tục, nhiều người đã nhận hỗ trợ. Thế nhưng sở chưa ghi nhận số liệu lao động tự do nào được hỗ trợ từ khi tỉnh có quyết định đến nay.

Lao động tự do là những người khó khăn nhất trong tất cả những người khó khăn thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Những lao động tự do được hỗ trợ gồm: người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe. Khi dịch xảy ra, nhiều người không có thu nhập hoặc thu nhập thấp, đời sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng với họ là rất quý ở thời điểm vừa qua, sự chậm trễ đã làm giảm ý nghĩa sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

TIẾN HUY   

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chậm trễ trong hỗ trợ lao động tự do