Lao động - Việc làm

Làm sao để lao động tự do không 'lọt lưới' an sinh?

ĐQ 29/10/2024 06:00

Dù chiếm một nửa lực lượng lao động nhưng những người đang làm việc tại khu vực phi chính thức (lao động tự do) ở Hải Dương vẫn chưa được quan tâm, bảo vệ thoả đáng.

00:00

lao-dong-phi-chinh-thuc.jpg
Nhân viên Bảo hiểm Xã hội tỉnh tuyên truyền về lợi ích bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân

Việc làm không ổn định, thu nhập thấp

Hơn 10 năm gắn bó với nghề điện nước, anh Nguyễn Văn Trang (34 tuổi) ở huyện Thanh Miện không ít lần bị tai nạn lao động. Vì không có hợp đồng lao động hay tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên anh Trang không được hưởng bất cứ chế độ gì. Mọi chi phí điều trị đều do gia đình anh tự lo liệu. Có lần, anh Trang bị ngã gãy chân phải ở nhà điều trị gần 3 tháng mới có thể đi lại bình thường. Nghỉ làm đồng nghĩa không có thu nhập khiến kinh tế gia đình anh gặp nhiều khó khăn.

"Những lúc xảy ra tai nạn tôi chỉ được chủ thầu hỗ trợ một khoản tiền nhỏ để động viên. Gần đây tôi đã chủ động mua bảo hiểm y tế để phòng thân. Mong muốn lớn nhất của những lao động tự do như tôi lúc này là được tham gia tổ chức công đoàn hoặc được ký hợp đồng lao động", anh Trang cho biết.

Hiện nay, thu nhập của người lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức thấp và thường không ổn định. Vì thế, họ thường chú trọng đến những nhu cầu cấp thiết hơn trong cuộc sống mà chưa quan tâm nhiều đến vấn đề an sinh sau này. Một số lao động cho rằng chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện chưa thực sự hấp dẫn, mức hỗ trợ còn thấp nên chưa tạo được “cú hích” để khuyến khích người dân tham gia. Có lao động băn khoăn về mức đóng công đoàn phí khi tham gia vào các tổ chức công đoàn.

Bà Nguyễn Thị Đáp (51 tuổi) ở huyện Ninh Giang cho biết: "Năm 2021, tôi có tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mong muốn sau này có lương hưu, không phải phụ thuộc vào con cháu. Tuy nhiên, mới đóng được hơn 1 năm, tôi đã phải dừng hợp đồng vì thấy thời gian đóng bảo hiểm quá dài. 70 tuổi mới đủ điều kiện để nhận lương khiến tôi nản lòng".

Hải Dương hiện có khoảng 1 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó số lao động đang làm việc tại khu vực phi chính thức chiếm đến 50%. Đây là lực lượng lao động quan trọng nhưng phần lớn có trình độ chuyên môn thấp, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh và không có các ràng buộc về quan hệ lao động. Họ không được hưởng các chế độ an sinh, phúc lợi xã hội và các điều kiện lao động an toàn. Điều này đã làm hạn chế về các quyền lao động, gây khó khăn trong giải quyết các mâu thuẫn trong lao động.

Thành lập nghiệp đoàn

IMG_2626 (1)
Hải Dương hiện có khoảng 1 triệu lao động, trong đó 50% làm việc ở khu vực phi chính thức

Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh có khoảng 450.000 người tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động ở khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt khoảng 6%, vượt 3,5% so với chi tiêu. Mặc dù số lượng lao động phi chính thức tham gia mạng lưới bảo hiểm xã hội ngày càng tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, nhiều lao động thiệt thòi trong việc thụ hưởng chính sách an sinh xã hội.

Để tăng tỷ lệ người lao động tự do tham gia bảo hiểm, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, luật đã bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện thay vì chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất như trước đây. Theo đó, người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu bảo đảm các điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp số tiền 2 triệu đồng/con. Đây là chính sách hấp dẫn đối với lao động trẻ ở khu vực phi chính thức.

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 còn giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm. Quy định này tạo cơ hội cho các đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc tham gia không liên tục nên chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu... "Những chính sách này sẽ tạo sức hấp dẫn với lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt là lao động trẻ. Khi luật có hiệu lực sẽ là cú hích lớn cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện", anh Trang cho biết.

Những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn coi lao động ở khu vực phi chính thức là lực lượng nòng cốt trong công tác phát triển đoàn viên. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, vận động lực lượng này tham gia tổ chức công đoàn gặp không ít khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến việc thành lập tổ chức công đoàn cho người lao động ở khu vực phi chính thức chưa rõ ràng, cụ thể, đòi hỏi các cấp công đoàn phải đa dạng hóa phương thức tập hợp. Năm 2024, Liên đoàn Lao động tỉnh phấn đấu thành lập 3 nghiệp đoàn nhằm tập hợp những lao động tự do tham gia vào tổ chức công đoàn. Đến nay, đã có TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn thành lập được Nghiệp đoàn Giáo dục mầm non độc lập với khoảng 60 đoàn viên. Đây cũng là hai nghiệp đoàn đầu tiên trong tỉnh với lực lượng nòng cốt là lao động ở khu vực phi chính thức.

“Nghiệp đoàn là mô hình mới về tổ chức công đoàn cơ sở được thành lập theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đây là tổ chức công đoàn tập hợp những lao động tự do hợp pháp cùng ngành nghề theo địa bàn hoặc theo đơn vị sử dụng lao động. Việc mở rộng mạng lưới an sinh đến với lao động phi chính thức không chỉ giúp cải thiện đời sống người lao động mà còn góp phần tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”, ông Quyết cho biết thêm.

ĐQ
(0) Bình luận
Làm sao để lao động tự do không 'lọt lưới' an sinh?