Trong khi 147 cầu vi phạm bắc qua kênh Đại Phú Giang, kênh T6 trạm bơm Hiệp Lễ ở huyện Ninh Giang (Hải Dương) đã được tháo dỡ thì vẫn còn 9 cầu của 8 hộ dân ở xã Hưng Long chưa được giải tỏa.
Căn cứ chưa đúng
Tuyến kênh Đại Phú Giang, kênh T6 trạm bơm Hiệp Lễ ở huyện Ninh Giang là tuyến kênh tưới, tiêu phục vụ sản xuất chạy dọc qua địa bàn các xã Đồng Tâm, Hồng Dụ, Hồng Phong, Kiến Quốc, Hồng Phúc, Hưng Long… Trên tuyến kênh này có 152 hộ đã tự ý xây dựng 156 cầu và 24 công trình nhà ở, lều quán... làm ách tắc dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. 147 cầu được các hộ gia đình đồng thuận phối hợp chính quyền địa phương tự tháo dỡ, giải toả. Tuy nhiên, 9 cầu của 8 hộ dân ở xã Hưng Long vẫn chưa giải tỏa, tháo dỡ.
Trước đó, xã Hưng Long có 28 cầu và 2 công trình trái phép.
Huyện Ninh Giang đã nhiều lần tổ chức đối thoại, làm việc với các hộ dân ở xã Hưng Long để giải quyết vụ việc. Gần đây nhất, sáng 24/5, lãnh đạo UBND huyện Ninh Giang cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan của huyện tiếp tục đối thoại với các hộ dân có cầu vi phạm nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận.
Nội dung cốt lõi mà các hộ chưa chấp hành tháo dỡ cầu vi phạm do họ cho rằng thời điểm năm 2004, khi người dân trúng đấu giá quyền sử dụng các thửa đất hiện nay không có quy hoạch đường đi ở phía bắc các lô đất. Vì vậy việc họ tự ý xây dựng cầu bắc qua kênh Đại Phú Giang để đi ra đường tỉnh 396 là việc làm chính đáng, không vi phạm.
Để bảo vệ quan điểm của mình, các hộ dân căn cứ vào một bản thiết kế mặt bằng có đóng dấu treo và chữ ký của cán bộ địa chính xã. Bản thiết kế này không thể hiện đường đi nên người dân cho rằng khi đấu giá quyền sử dụng đất đã không quy hoạch đường đi.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Ninh Giang, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ lưu trữ tại UBND xã Hưng Long (xã Hưng Thái cũ) và tại UBND huyện cho thấy chỉ có một bản thiết kế mặt bằng duy nhất tại vị trí nêu trên có xác nhận của UBND xã và các cơ quan cấp huyện có liên quan. Bản thiết kế này đã thể hiện có quy hoạch đường đi rộng 3m ở phía bắc các thửa đất. Còn bản thiết kế người dân dựa vào là bản Sơ đồ thửa đất do UBND xã lập trên cơ sở bản thiết kế mặt bằng đã được UBND xã và các cơ quan cấp huyện có liên quan xác nhận. Việc bổ sung thêm bản sơ đồ này là cần thiết; đã thể hiện đầy đủ thông tin kích thước cạnh, diện tích thực tế của các thửa đất đấu giá ngoài thực địa để phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất (bản này kèm theo hồ sơ bán đấu giá) để các hộ trúng đấu giá ký nhận lô và làm cơ sở phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau này.
Theo chính quyền địa phương, trước khi tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá đã kiểm tra thực tế hiện trạng khu đất đấu giá, nếu không có đường đi thì khu đất không thể thực hiện đấu giá. Người trúng đấu giá đồng ý với hiện trạng khu đất hiện có thì mới nộp hồ sơ để tham gia đấu giá.
Có thể thấy, căn cứ để thực hiện đấu giá khu đất và quy hoạch đường đi của khu đất là bản có xác nhận của UBND xã và các cơ quan cấp huyện có liên quan chứ không phải bản chỉ đóng dấu treo, có chữ ký của cán bộ địa chính xã.
Phải theo quy định pháp luật
Tại buổi đối thoại sáng 24/5, luật sư và các hộ dân đưa ra một số hình ảnh lấy từ mạng xã hội YouTube quay lại quang cảnh khu vực dân cư năm 2019 thể hiện chưa có tuyến đường ở phía bắc nhà các hộ dân để củng cố luận điểm của mình.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương và tìm hiểu thực tế của phóng viên, trong thời gian dài trước đây, việc xây dựng cầu dân sinh trái phép qua kênh Đại Phú Giang khá phổ biến do chính quyền địa phương không kiên quyết xử lý vi phạm. Vì vậy, khi người dân mua đất, làm được cầu để đi lại thì tuyến đường phía sau thường không được đầu tư nâng cấp, cải tạo để sử dụng, bị lấn chiếm. Đây cũng là thực trạng không hiếm ở một số địa phương dọc tuyến kênh Đại Phú Giang. Gần đây nhất là tại các xã Kiến Quốc, Hồng Phong, khi thực hiện giải tỏa, tháo dỡ cầu, người dân mới tập trung giải tỏa các công trình đã lấn vào đường đi theo quy hoạch, đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường quy hoạch phía bắc nhà mình để phục vụ dân sinh.
Mặt khác, theo UBND huyện Ninh Giang, sau thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân năm 2006, đến tháng 11/2007 trên địa bàn xã đã tiến hành công tác đo đạc bản đồ địa chính đất dân cư. Bản đồ địa chính cũng đã thể hiện mặt phía bắc của khu vực đấu giá đê Đại Phú Giang (tại thời điểm này đã có 3 hộ sử dụng đất gồm các ông: Nguyễn Mạnh Hằng, Phạm Đình Ảnh và Bùi Đình Khang) tiếp giáp với đường đất vừa để phục vụ cho nhân dân dân đi lại và phục vụ sản xuất. Năm 2021, UBND xã cũng đã bố trí nguồn kinh phí nâng cấp, cải tạo đường bê tông phía bắc giáp với đất ở của các hộ.
Bản chất sự việc ở xã Hưng Long là việc các hộ dân sử dụng đất không theo quy hoạch khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Mặc dù vẫn có tuyến đường ở phía bắc các thửa đất của các hộ dân nhưng các hộ dân không sử dụng mà tự ý xây dựng cầu bắc qua kênh Đại Phú Giang đấu nối vào đường tỉnh 396 để đi lại và kinh doanh.
Tại các buổi tiếp xúc đối thoại, luật sư và các hộ dân còn đưa ra nhiều ý kiến khác để bảo vệ quan điểm của mình. Các hộ cho rằng trình tự, thủ tục đấu giá chưa đúng quy định; đề nghị thanh tra, kiểm tra quá trình đấu giá quyền sử dụng đất; đề nghị thanh tra, kiểm tra việc quản lý đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất và chấp hành pháp luật đất đai của UBND huyện Ninh Giang, UBND xã Hưng Long... Các nội dung luật sư, hộ dân ý kiến đều đã được UBND huyện Ninh Giang giải đáp cụ thể, rõ ràng. Đó cũng không phải là những vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng đến bản chất sự việc.
Việc người dân muốn giữ lại các cầu để không bị ảnh hưởng đến giá trị nhà đất, cuộc sống, sản xuất kinh doanh... là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong khi đại đa số các trường hợp tương tự ở các địa phương khác và trong xã Hưng Long đã hoàn thành tháo dỡ cầu vi phạm thì 8 hộ dân cần đồng thuận để sớm ổn định cuộc sống. Những kiến nghị không hợp lý cần chấm dứt.
HẠO NHIÊN