Theo ước tính của Văn phòng Chính phủ, chỉ tính riêng việc gửi, nhận văn bản điện tử theo 2 cấp hành chính đã giúp cắt giảm trên 1.200 tỷ đồng một năm...
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước tại đầu cầu Hải Dương
Sáng 15.11, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12.7.2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị.
Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương.
Triển khai Quyết định này, Văn phòng Chính phủ đã tích cực phối hợp với 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng thực hiện kết nối liên thông, gửi, nhận văn bản điện tử thông qua trục liên thông văn bản quốc gia. 100% số đơn vị đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền, trong đó 60 đơn vị kết nối thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp tỉnh; 35 đơn vị kết nối trực tiếp phần mềm quản lý văn bản và điều hành với trục liên thông văn bản quốc gia; 84 trong tổng số 95 bộ, ngành, địa phương đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Theo ước tính của Văn phòng Chính phủ, chỉ tính riêng việc gửi, nhận văn bản điện tử theo 2 cấp hành chính giữa các bộ, ngành, địa phương đã giúp cắt giảm trên 1.200 tỷ đồng một năm từ chi phí sao chụp văn bản và gửi văn bản qua dịch vụ bưu chính...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao kết quả đạt được qua 1 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong năm 2019. Các bộ, ngành, địa phương phải sử dụng tối đa phần mềm quản lý văn bản và điều hành, sớm tổ chức liên thông các phần mềm trong nội bộ đơn vị để bảo đảm tiến độ liên thông văn bản 4 cấp chính quyền trước ngày 30.6.2020. Việc gửi, nhận văn bản điện tử có chữ ký số, không sử dụng văn bản giấy được triển khai đồng bộ, hiệu quả nhằm hướng tới mục tiêu 100% cơ quan hành chính nhà nước tham gia vào quá trình gửi, nhận văn bản điện tử và đổi mới phương thức làm việc sang môi trường điện tử...
PV