Cơ quan công an cho biết gần đây xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới, đó là chiêu thông báo hợp tác tuyển người mẫu nhí tham gia chụp ảnh mẫu.
Thủ đoạn của nhóm lừa đảo là thông qua mạng xã hội Facebook, Telegram… để kết bạn và mời tham gia ứng tuyển người mẫu nhí cho hãng thời trang. Sau khi cha hoặc mẹ “cắn câu”, chúng sẽ đưa vào một nhóm chat để mời tham gia thử thách.
Thử thách là chuyển khoản để mua sản phẩm hàng hiệu, số tiền tăng dần. Thông thường, đối với thử thách thứ 1, thứ 2, chúng trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ. Khi số tiền chuyển khoản tăng cao, nhóm lừa đảo sẽ chiếm đoạt.
Nếu cú pháp hoặc số tiền chuyển khoản sai sẽ phải chuyển lại cho đúng. Nếu không kịp thời hạn quy định, bị hại phải nộp thêm tiền để được gia hạn, lúc đó mới được ứng tuyển và hoàn tiền. Nếu không đáp ứng các quy định trên, bị hại sẽ bị mất tiền. Đến giai đoạn này, sợ mất tiền nên phụ huynh thường chuyển thêm tiền. Sau đó, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển thêm vì không đúng cú pháp. Cứ như vậy, số tiền tăng dần.
Thông tin tuyển người mẫu nhí đăng trên Facebook |
Tìm hiểu trên Facebook, phóng viên ghi nhận có rất nhiều fanpage và nhóm tuyển mẫu ảnh nhí như: Tuyển mẫu ảnh nhí Việt Nam, người mẫu ảnh nhí, người mẫu nhí, tuyển mẫu ảnh nhí toàn quốc, người mẫu ảnh nhí - diễn viên nhí - Idol Kiss…
Nội dung quảng cáo như: Chớp CV làm mẫu ảnh tại gia thu nhập 7-15 triệu/tháng cho bé với mô tả là chụp mẫu các sản phẩm bộ sưu tập nhãn hàng đưa ra; không gian tự chọn, chủ động thời gian.
Có rất nhiều phụ huynh đăng hình ảnh con lên mạng để hỏi xem có đạt tiêu chuẩn không, cũng không ít người cho biết thông tin lừa đảo nhưng cũng có phụ huynh không biết nên “sập bẫy”.
Chị Hà Bích chia sẻ: “Em rất muốn đăng ký cho con làm người mẫu ảnh nhí, vì con mê nghề quá. Nhưng em sợ không biết công ty nào tuyển thật, vì hàng ngày có vô vàn công ty tuyển, sau lại cả nghìn phụ huynh bị mất tiền oan, có người mất đến 45-50 triệu đồng. Em hay cảnh báo các phụ huynh thì bị họ chửi”.
Một số nội dung về hành vi lừa đảo tuyển người mẫu nhí |
Chị Hà Nhung cho biết em của chị bị lừa 18 triệu đồng, đã báo công an nhưng nhóm lừa đảo vẫn ngang nhiên tiếp tục chạy quảng cáo lừa người khác. "Cũng có bạn bảo tham gia thử thách, song tự dưng bạn đó mất tích luôn. Họ đưa mình vào Telegram là xác định lừa đảo rồi, thế mà một ngày có biết bao nhiêu người mất tiền oan. Bữa em đang theo dõi xem chúng nó định làm gì, bận quá không tương tác kịp, nó kick ra khỏi nhóm luôn, chưa kịp nhắn tin cảnh báo mọi người”, chị Hà Nhung nói.
Chị Ngô Mai chia sẻ: “Thấy khá nhiều trang chạy quảng cáo tìm mẫu nhí hay mẫu người lớn đủ lứa tuổi, tất cả đều lừa hết. Người ta có nhóm tìm dịch vụ và mẫu nhí riêng, chủ yếu kết nối với các trung tâm đào tạo rồi, khi cần mẫu hay dịch vụ như thế nào họ đăng lên, phụ huynh thấy phù hợp thì đăng ký quảng cáo vào bài đăng hoặc chat riêng. Nếu phù hợp người ta sẽ liên hệ. Mấy cái mà casting xong đóng phí để diễn, chụp ảnh theo mọi hình thức đều là trá hình tuyển học viên hoặc là lừa tiền phụ huynh. Hiện tại mẫu nhí và diễn viên nhí rất đông, 1 bài đăng có cả mấy chục đến hơn trăm người đăng ký casting với hy vọng con được chọn. Nghĩ sao nó phải đi chạy quảng cáo tìm mẫu với dịch vụ cho các mẹ”.
Chị Hoa thì kể: “Em ứng tuyển bên Yody mà cũng bị lừa. Em điền thông tin bé ứng tuyển, nhưng thấy gửi sản phẩm mà ảnh bị vỡ em đã nghi nghi rồi. Sau khi chọn sản phẩm để mình quay/chụp ảnh thì người ta cho mình vào cái nhóm bảo giao lưu nhiệm vụ. Trong nhóm có khoảng 7-8 thành viên nhưng chỉ có 4 thành viên hoạt động thôi. Một ông đưa lệnh, 3 bà còn lại là thực hiện lệnh. Nhiệm vụ 1: Vào link sản phẩm, thả tim, chụp màn hình gửi vào nhóm (mình đã làm xong lệnh 1). Nhiệm vụ 2, 3: Chính là thanh toán hóa đơn hàng trị giá khoảng 700.000-800.000 đồng (bảo thanh toán đơn hàng nhưng lại phải chuyển vào tài khoản của 1 người nào đấy). Mình nghi vấn tại sao mình đăng ký cho con làm mẫu ảnh mà lại phải làm nhiệm vụ? Ba cái bạn trong nhóm thực hiện nhiệm vụ thứ 2, chụp lại màn hình đã chuyển tiền vào số tài khoản kia gửi trong nhóm. Mình vào trang cá nhân thì nhận ra 3 cái bà này tài khoản đều ảo. Hết nhiệm vụ 1 thì ông kia giả vờ hỏi: Bây giờ nhà mình sẵn sàng làm nhiệm vụ 3 chưa ạ? Mình chờ xem kết quả như nào nhưng mà ngay sau đấy thì bị kick ra khỏi nhóm luôn”.
Trước chiêu trò lừa đảo sử dụng trẻ để đánh vào tâm lý phụ huynh, cơ quan công an khuyến cáo người dân không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Facebook, Telegram… không quen biết. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa; trình báo cơ quan công an nơi gần nhất hoặc nghi vấn có hành vi thủ đoạn như trên.
Theo Zing