Ngày 9.3, Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua đã cảnh báo rất nhiều trường hợp mạo danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng nhiều người vẫn bị “sập bẫy”.
Điển hình như, ngày 8.3, các đối tượng đã gọi điện đến số máy cố định nhà bà T.T.Th. (sinh năm 1947, trú tại phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây) với thủ đoạn giả danh Công an đang điều tra vụ án ma tuý, rửa tiền, yêu cầu bà Th. khai thông tin cá nhân và số tiền tiết kiệm. Bà T.T.Th. nói đang có 150 triệu đồng gửi tại ngân hàng.
Sau đó, đối tượng yêu cầu bà Th. không được nói với ai và ra ngay ngân hàng rút tiết kiệm, chuyển vào tài khoản của đối tượng, để cơ quan Công an giữ hộ, sau khi điều tra xong, nếu chứng minh bà không tham gia vụ án ma túy, sẽ hoàn trả bà số tiền trên.
Do lo sợ bị mất tài sản và liên quan đến pháp luật, bà T.T.Th. đã mang sổ tiết kiệm ra ngân hàng để rút tiền chuyển cho các đối tượng. Tuy nhiên, khi đến cửa ngân hàng, bà T.T.Th. thấy nghi ngờ và đến Công an phường Lê Lợi (Sơn Tây, Hà Nội) trình báo sự việc, nên đã không bị mất 150 triệu đồng.
Hiện, Công an thị xã Sơn Tây đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra truy xét các đối tượng đã gọi điện thoại lừa đảo bà T.T.Th. và các vụ lừa đảo đã xảy ra trước đó trên địa bàn, để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước chiêu trò lừa đảo của các đối tượng, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục khuyến cáo người dân tỉnh táo, cảnh giác trước các giọng điệu đe dọa, mời chào cho vay mượn, chuyển tiền, các tin nhắn tuyển cộng tác viên làm việc nhẹ, lương cao qua điện thoại….
Đồng thời, người dân cần cảnh giác, thận trọng với việc cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại của mình cho người khác; không ấn truy cập các đường link lạ trên mạng internet do những người không quen gửi đến.
Đặc biệt, người thân trong gia đình nên phổ biến về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo với những người cao tuổi, để tránh bị xâm hại. Ngoài ra, khi có nghi vấn, người dân hãy báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất để được giải quyết.
Theo báo Tin tức