Qua 3 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực tối đa, một số nơi đang cạn kiệt nguồn vốn.
Nhiều nhà xây sát đường gây khó khăn cho việc mở rộng đường theo đúng
tiêu chí nông thôn mới ở xã Nhân Quyền (Bình Giang)
Khó huy động thêm
Hồng Thái là một trong 5 xã của huyện Ninh Giang xây dựng NTM giai đoạn 1. Đầu năm 2013, xã vận động nhân dân dồn ô, đổi thửa. Kết quả, đã giảm được 60% số lô và 50% số thửa, bình quân mỗi hộ có 2,7 thửa ruộng. Cũng trong năm 2013, Nhà máy Nước sạch Ninh Giang đầu tư 1,8 tỷ đồng lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước đến đầu ngõ của từng gia đình... Trong 3 năm, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Hồng Thái khoảng 59 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 15,9 tỷ đồng (gồm 3,2 tỷ đồng tiền mặt, gần 28 nghìn m2 đất trị giá 12,7 tỷ đồng) và 10 nghìn ngày công lao động; ngân sách tỉnh và trung ương 19,8 tỷ đồng (3,2 tỷ đồng trực tiếp cho xây dựng NTM và 16,6 tỷ đồng xây dựng khu lưu niệm Bác Hồ ở thôn An Rặc); kinh phí còn lại từ ngân sách xã. Đồng chí Nguyễn Đức Tráng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái cho biết: “Với một xã thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là 16 triệu đồng thì việc đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng như trên là nhiều. Đến nay, khó huy động nhân dân đóng góp, đất của xã lại không còn để chuyển quyền sử dụng, trên địa bàn cũng không có nhà máy, xí nghiệp để vận động tài trợ. Để năm 2015 đạt chuẩn NTM thì xã cần thêm 189 tỷ đồng. Trong đó, thủy lợi 11 tỷ đồng, đường ra đồng 16 tỷ đồng, trường học 20 tỷ đồng, trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã và các thôn 32 tỷ đồng...”
Nhân Quyền (Bình Giang) đang là xã dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng NTM nhưng cũng đang gặp khó khăn trong huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu này. Xã tự đánh giá đạt được 17 trong tổng số 19 tiêu chí, còn 2 tiêu chí nữa là giao thông và cơ sở vật chất văn hóa. Đồng chí Nguyễn Trung Trực, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Những năm qua, xã đã tìm nhiều cách như: đấu giá chuyển quyền sử dụng đất, vận động nhân dân, doanh nghiệp đóng góp với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, xã không còn đất để bán, nhân dân đóng góp cũng đã nhiều. Để hoàn thiện 2 tiêu chí còn lại xã cần khoảng 30 tỷ đồng. Khó nhất là giao thông, do đường làng, ngõ xóm được làm từ lâu nên chỉ rộng từ 2-2,5 m. Sau khi đường làm xong, nhiều gia đình xây nhà kiên cố, tường bao, công trình phụ sát mép đường. Để mở rộng thì xã cần một số tiền lớn để hỗ trợ những gia đình dỡ bỏ các công trình. Đất xây dựng khu văn hóa khu trung tâm cũng đã quy hoạch nhưng do không có kinh phí nên xã chưa làm được".
Đồng chí Phạm Xuân Ngải, Chủ tịch UBND xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) cho biết: “Xã mới hoàn thành 6 trong tổng số 19 tiêu chí, chủ yếu là những tiêu chí cần ít vốn như: giáo dục, y tế, điện... Còn các tiêu chí giao thông, thủy lợi, môi trường... thì xã chưa có kinh phí thực hiện. Năm nay chúng tôi đã quy hoạch 10 lô đất thì đấu giá thành công 9 lô, được 1,8 tỷ đồng để bù vào xây dựng trụ sở UBND xã. Do Hà Thanh là xã vùng sâu, vùng xa của huyện, giá đất thấp nên có bán thì số tiền cũng không được nhiều. Xã thuần nông, đời sống của nhân dân còn khó khăn nên việc huy động nhân dân đóng góp rất hạn chế”. Hà Thanh là xã xây dựng NTM giai đoạn 2.
Cần phát huy nội lựcĐể xây dựng cơ sở hạ tầng, hầu hết các địa phương đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia và đấu giá quyền sử dụng đất để có vốn thực hiện. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên nguồn hỗ trợ của Nhà nước cũng hạn chế. Sức mua đất của người dân giảm, nhiều xã đã được phê duyệt quy hoạch nhưng không bán được. Còn những chỗ có khả năng bán được thì lại vướng do các quy định trong Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý đất trồng lúa.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), để xây dựng NTM thì khó khăn nhất là vốn. Vì thế, tất cả các ngành, các địa phương và người dân phải đồng lòng. Địa phương cần phát huy nội lực trong huy động vốn, không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của tỉnh, trung ương. 5 năm tới, nguồn vốn xây dựng NTM vẫn chủ yếu lấy từ đất.
Hiện Bộ NN-PTNT đang đề nghị Chính phủ quy định việc chuyển đất lúa dưới 10 ha sang mục đích sử dụng khác sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Nếu đề nghị được chấp nhận, việc quy hoạch và phê duyệt dự án sử dụng đất sẽ nhanh hơn, góp phần giải quyết khó khăn cho các địa phương. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cần thống kê đất dôi dư, xen kẹp trong các hộ để hợp pháp hóa cho người dân và thu tiền sử dụng đất. Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỉnh đã ban hành kế hoạch dồn ô, đổi thửa, tạo thuận tiện cho cơ giới hóa, giảm sức lao động của nông dân. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Toàn tỉnh hiện có 61 làng nghề được UBND tỉnh công nhận và hàng trăm làng có nghề sẽ góp phần giải quyết việc làm lúc nông nhàn. Nhiều doanh nghiệp đã về nông thôn, vùng sâu, vùng xa sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều cơ hội việc làm... Từ chỗ có việc làm, thu nhập ổn định thì người dân mới có điều kiện đóng góp, xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương.
Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn tỉnh đã đầu tư 9.892,7 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó ngân sách trung ương 261,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 570,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp (tiền, ngày công lao động, hiến đất) 778 tỷ đồng, vốn lồng ghép 1.544,4 tỷ đồng, vốn tín dụng 4.428,2 tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp, HTX 1.184,2 tỷ đồng...
|
THANH HÀ