Cân nhắc thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2023

11/09/2022 09:42

Theo phương án Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thống nhất đề xuất Chính phủ, người lao động nghỉ Tết Quý Mão 7 ngày, từ 29 Tết đến hết mùng 5 tháng giêng.

Thông tin này khiến không ít người lao động, nhất là lao động xa quê lo lắng.

Tôi có người thân quê ở Gia Lộc, làm việc tại một doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da trong khu công nghiệp Thới Hòa ở tỉnh Bình Dương đã gần 15 năm nay. Anh lấy vợ và sinh sống tại đây, lại là con cả nên dịp Tết Nguyên đán nào cũng phải cùng gia đình về quê. Mấy năm nay, lịch nghỉ Tết sát nút khiến gia đình anh không khỏi chật vật. Dù đã lên kế hoạch về quê từ rất sớm nhưng gia đình anh vẫn bị động, gặp không ít khó khăn khi đi tàu xe, máy bay, có năm về đến quê là lúc sắp đón giao thừa.

Nhiều người cho rằng nghỉ Tết sớm hơn sẽ giảm áp lực giao thông cuối năm. Người lao động có điều kiện mua sắm, thăm người thân. Nghỉ trước Tết quá ngắn như vậy sẽ khiến nhiều người lao động mất cơ hội về quê đón Tết do thời gian đi lại quá dài. 2năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịp Tết nhiều người, nhất là lao động đi làm ăn xa không thể về quê. Vì vậy, Tết năm nay rất nhiều người mong muốn được về sớm để bù đắp quãng thời gian không thể đoàn tụ cùng gia đình, người thân.

Điều đáng nói nếu nghỉ theo phương án 7 ngày như trên thì người lao động sẽ nghỉ từ thứ sáu tuần trước đến thứ năm tuần sau. Như vậy, sau Tết, ở nhiều nơi người lao động chỉ đi làm thứ sáu rồi lại được nghỉ 2 ngày cuối tuần. Kỳ nghỉ Tết bị cắt vụn, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý làm việc của nhiều lao động. Thậm chí kỳ nghỉ ngắn và gián đoạn như vậy sẽ dẫn đến nhiều doanh nghiệp muốn mở cửa đúng lịch cũng khó vì số lao động dự đoán đến làm việc sẽ không nhiều. Chưa kể việc phân bổ thời gian nghỉ trước Tết quá ngắn trong khi theo phong tục Việt Nam có nhiều việc cần giải quyết trước Tết.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hải Dương hiện có hơn 900.000 người lao động. Trong khoảng 377.000 người làm việc trong các doanh nghiệp có 60.000 người ở tỉnh ngoài. Phần lớn số lao động này từ các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung về tỉnh ta làm việc. Khoảng cách từ Hải Dương về quê của họ cũng khá xa. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp lo ngại lao động có thể vận dụng ngày nghỉ phép để xin về quê sớm. Theo quy định nghỉ phép năm của người lao động thì các doanh nghiệp không còn cách nào khác phải tạo điều kiện cho họ nghỉ Tết sớm. Rõ ràng nghỉ quá sát Tết không chỉ gây khó khăn cho người lao động mà còn khiến doanh nghiệp khó bố trí công việc.

Chính phủ và các cơ quan tham mưu nên xem xét thời điểm nghỉ Tết phù hợp với số đông người lao động và cần ban hành sớm. Chẳng hạn như ở Nhật Bản, lịch nghỉ Tết thường được lên kế hoạch và thông báo ngay từ tháng 1 dương lịch. Vì thế, công nhân nước này chưa ăn Tết năm nay đã biết lịch nghỉ Tết năm sau. Họ cũng biết mình được nghỉ bao nhiêu ngày và nghỉ từ khi nào. Lên lịch nghỉ Tết sớm và phù hợp giúp doanh nghiệp chủ động bố trí đơn hàng sản xuất, kinh doanh, người lao động sớm nắm lịch để đặt vé tàu xe về quê, đi chơi, sắp xếp kế hoạch cho gia đình. 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa đề xuất cho người lao động nghỉ từ 28 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng (19-27.1.2023), đi làm trở lại vào mùng 6 và làm bù vào thứ bảy (28.1.2023) cũng có thể là một gợi ý tốt hơn so với phương án nghỉ 7 ngày như trên.

BẢO ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cân nhắc thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2023