Thêm một lần nữa, dư luận lại xôn xao, bức xúc vì cảm thấy bị đánh cắp niềm tin về rau sạch trong mỗi bữa ăn hằng ngày của gia đình mình.
Chưa bao giờ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại được người người, nhà nhà quan tâm như hiện nay. Lý do vì nhiều năm qua, ung thư và bệnh tật nguy hiểm đã và đang treo lơ lửng trên đầu người dân Việt.
Nguyên nhân của bệnh tật từ thực phẩm ai cũng biết nhưng dường như khó tránh bởi nhiều nguồn hàng hóa mà họ ăn hằng ngày vẫn trôi nổi, nguồn cung không rõ ràng.
Một cốc trà sữa, một ly cà phê hay nhiều món hàng ăn uống bán trong quán xá, ngoài đường phố, hàng rong… rất hiếm có nguồn gốc bảo đảm an toàn. Ngay cả nhiều thực phẩm công nghiệp như mì ăn liền vốn quen thuộc với đại đa số người dân cũng chứa chất ethylene oxide (EO) - bị cấm và bị thu hồi ở nhiều quốc gia khác nhưng Việt Nam vẫn sử dụng.
Niềm tin vào thực phẩm sạch với những tiêu chuẩn được gắn mác an toàn từ những chuỗi cung ứng được xem là có thương hiệu, an toàn bỗng chốc bị sụp đổ khi dõi theo loạt bài rau sạch giả biến hình vào siêu thị.
Cảm giác hụt hẫng vì bị lừa đảo phủ trùm trong suy nghĩ của mỗi người dân đã chọn mua "rau sạch" ở các siêu thị, nơi cung ứng rau VietGAP mà mình chấp nhận, bỏ ra số tiền gấp nhiều lần so với giá rau ở chợ để mua.
Rồi biết tin vào đâu để mua thực phẩm? Liệu các nơi khác chưa gọi tên, chưa chỉ mặt có thực sự là rau củ quả sạch, đúng chuẩn VietGAP? Và ai chịu trách nhiệm cho những hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng được phù phép thăng hạng?
Vấn đề kinh doanh gian dối khó được cộng đồng chấp nhận vì đó là đạo đức, nhất là những hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Thế nhưng, có nhiều doanh nghiệp hám lợi coi thường sức khỏe, tính mạng người dùng đã bất chấp lương tri, qua mặt pháp luật để làm những việc không thể dung thứ. Quy trình quản lý lỏng lẻo dẫn tới việc nhập, đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại nhưng gắn mác an toàn để thu lợi bất chính cũng cần được truy cứu.
Và tất nhiên trong chuyện này, đơn vị bán lẻ cũng không thể vô can. Nếu hàng hóa, sản phẩm được hệ thống bán lẻ kiểm tra, giám sát chặt chẽ và nghiêm ngặt, có kiểm nghiệm thường xuyên thì chắc chắn đã không bị nhà cung ứng hàng hóa qua mặt như trong câu chuyện này.
Rõ ràng hơn lúc nào hết, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các mô hình trồng, cung ứng lương thực, thực phẩm sạch cho người dân. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ đầu mối lương thực, thực phẩm mới là điều căn cơ.
Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần phải thanh tra, giám sát thường xuyên, toàn diện từ khâu sản xuất đến cung ứng, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Lấy lại niềm tin cho người dân khi đi siêu thị, đem đến những bữa ăn chất lượng, an toàn cho các gia đình cũng là vấn đề dân sinh quan trọng cần được quan tâm đúng mức và nghiêm túc.
Theo Tuổi trẻ