Câu nói "chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách" của hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên đang làm dậy sóng dư luận với những ý kiến trái chiều về vai trò của việc đọc sách.
Tại cuộc thi Miss Universe Vietnam, hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong vai trò một thí sinh đã gây sốc với phát ngôn về đọc sách.
Trước câu hỏi "việc đọc sách thay đổi cuộc đời mình như thế nào?", hoa hậu Kỳ Duyên nói: "Có một sự thật là đến tận bây giờ, tôi chưa đọc hết một cuốn sách nào. Bởi vì tôi là một người thực tế, tôi thích trau dồi kiến thức của mình thông qua hình ảnh và âm thanh".
Dứt câu, hoa hậu Kỳ Duyên đột nhiên hụt hẫng và im lặng, không thể tìm ra dẫn chứng để chứng minh cho ý trên. Trong khi đó, là một hoa hậu đi thi hoa hậu, Nguyễn Cao Kỳ Duyên được đánh giá có phong độ, kinh nghiệm dày dạn, từng ngồi vị trí ban giám khảo nhiều cuộc thi nổi tiếng nhưng lại rơi vào tình huống mất tự tin sau câu nói "chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách".
Ngay lập tức, cộng đồng mạng, trong đó có nhiều người trẻ dậy sóng với phát ngôn của hoa hậu Kỳ Duyên. Đa số cho rằng hoa hậu đã bị hổng kiến thức, phát ngôn nông cạn và một người có tầm ảnh hưởng lại phát ngôn như vậy về việc đọc sách là không nên. Điều này cho thấy nhiều người trẻ vẫn ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách trong xã hội ngày nay.
Tuy nhiên, cũng rất đáng buồn khi đọc bình luận trên mạng thấy nhiều bạn trẻ nói "đó là chuyện bình thường mà", "mình cũng chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách, trừ sách khoa học trong nhà trường", "mình cũng không đọc sách vì không kiên trì"...
Ngoài thực tế, nhiều thư viện, hiệu sách vắng tanh. Nhiều bạn trẻ đến cũng chỉ để check-in rồi về, cầm một vài cuốn sách đẹp đẽ lên chụp ảnh rồi đặt xuống. Tình trạng này không ngoại trừ Hải Dương ta.
Không thể phủ nhận trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc nghe, nhìn, thu nhận kiến thức qua hình ảnh, âm thanh rất tiện lợi, sống động, nhanh gọn và một số người trẻ có lợi thế tiếp thu hơn qua việc nghe, nhìn. Đây là một kênh tiếp nhận kiến thức, thông tin hữu ích. Có lẽ vì thế mà hoa hậu Kỳ Duyên nói "bởi vì tôi là một người thực tế, tôi thích trau dồi kiến thức của mình thông qua hình ảnh và âm thanh".
Nhưng hoa hậu chưa nghĩ rằng người thực tế cũng cần đọc sách, người đọc sách thường rất thực tế. Nhiều ý kiến cho rằng câu nói thích trau dồi kiến thức qua hình ảnh và âm thanh của hoa hậu Kỳ Duyên chỉ là sự biện minh cho lỗ hổng kiến thức của mình.
Trong khi những video, clip ngày nay có xu hướng ngày càng ngắn gọn, giật gân để thu hút người xem thì đọc một cuốn sách có thể cho ta những thứ mà hình ảnh, âm thanh không thể cho ta. Khối lượng kiến thức trong sách rất lớn, nó cho ta nghiền ngẫm, suy tư sâu sắc, gợi mở cho ta trí tưởng tượng, suy nghĩ phong phú và sự thông tuệ, lắng đọng những bài học quý giá - những thứ rất dễ thoáng qua, hời hợt nếu chỉ bằng việc xem, nghe. Đọc sách cũng rèn cho ta tính kiên trì, nhẫn nại và nhiều đức tính tốt đẹp, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống.
Tôi vẫn nhớ một câu đọc được trong sách tiếng Việt ngày xưa về vai trò của việc đọc sách, đại ý là chúng ta không thể đi đến nơi tận cùng của trái đất, không bay đến hành tinh khác, không thể lặn dưới độ sâu hàng nghìn mét dưới đáy biển để xem ở đó có gì nhưng có những người đã đi, họ mang vào trong cuốn sách cho chúng ta, mở ra trước mắt ta những thứ ta chưa thấy. Ta cũng không thể sống cuộc đời của nhiều người nhưng qua những cuốn sách, mọi góc khuất con người đều hiện ra, ta vui với niềm vui của họ, đau cùng nỗi đau của họ và nhìn lại, sửa đổi cuộc đời ta.
Đọc sách kỳ diệu như thế đấy!
PHONG TUYẾT