Sáng 8/9 sau bão số 3 đổ bộ, tôi đi một vòng TP Hải Dương thấy khung cảnh ngổn ngang trên đường phố. Nhiều cây xanh bật gốc ngã đổ.
Không chỉ ở TP Hải Dương dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, liên xã, khu dân cư cũng có những khung cảnh như vậy. Cây đổ gẫy nhiều đến mức chiều 7/9, tỉnh Hải Dương đã phải tạm cấm một số tuyến đường giao thông. Nhiều lực lượng phải thu dọn xuyên đêm, tạm đẩy, cẩu cây vào ven đường để thông tuyến.
Nhiều cây xanh ngã đổ là cây cổ thụ, cây lâu năm. Có những cây gắn với góc phố, người dân, gắn với những hình ảnh thân thuộc, kỷ niệm của nhiều thế hệ. Không biết có bao nhiêu cặp đôi đã đứng tâm sự dưới những hàng cây? Nhiều cây toả bóng mát che chở cho người dân suốt mùa hè oi nóng, ngăn cái nắng chói chang. Lại có những cây mới trồng, còn bé bỏng non nớt…
Cây xanh “tử nạn” do bão lớn còn kéo theo dây điện, cáp viễn thông đứt, cột điện đổ, gây mất điện, gián đoạn liên lạc.
Trong phát triển đô thị và phát triển xanh nói chung vai trò của cây xanh rất quan trọng. Cây xanh giúp cân bằng khí hậu, bổ sung ô xy cho con người, muông thú. Nhìn ra quốc gia và toàn cầu, cây xanh còn giúp chống biến đổi khí hậu.
Chúng ta luôn quan tâm tỷ lệ cây xanh đô thị, trồng cây. Ở Hải Dương có những hàng cây, đường cây rất đẹp. Những hàng cây hút hồn du khách như ở Gia Lộc, Thanh Miện. Những bức ảnh cây ở đây thu hút hàng nghìn like trên mạng xã hội. Hay những hàng cây trổ hoa bốn mùa ở TP Hải Dương, mùa nào hoa ấy. Bởi vậy chúng ta mới tự hào, đang nỗ lực dựng xây “thành phố 4 mùa hoa”.
Nhưng chúng ta đã đối xử với cây xanh ra sao? Chúng ta trồng và chăm sóc. Nhưng chúng ta còn nhiều sơ suất. Nhìn những hàng cây nặng tán đổ kềnh không khỏi vân vi. Bão lớn, rất lớn là khách quan, ngoài tính toán của con người. Nhưng giá như chúng ta thường xuyên cắt tỉa không chỉ vì trước cơn bão. Chúng ta quan tâm không chỉ trước các cơn bão vì bão sắp về sẽ không làm kịp trên diện rộng. Những cành bị sâu, già cỗi, khô héo cần được cắt tỉa thường xuyên. Đặc biệt là những cây cổ thụ. Chúng ta cắt tỉa thường xuyên khi bão đến sẽ hạn chế được thiệt hại…
Những hàng cây không chỉ là vật vô tri. Nó có tâm hồn. Tâm hồn của cây do con người thổi vào. Một cây cổ thụ ngã xuống thật đau xót. Cây cổ thụ có hồn vía, thậm chí còn có cả sự linh thiêng theo quan niệm dân gian. Bởi vậy chăm cây cần có tình thương, cũng giống như chăm sóc con người. Chăm những hàng cây bằng tình yêu và sự tận tâm, cây sẽ gắn bó, ở lâu dài hơn với con người. Cây mang cho con người ô xy để thở, cảnh quan và nhiều giá trị tinh thần khác.
THANH XUÂN